Tiêu chuẩn thi công hoàn thiện áp dụng cho các công trình xây dựng nhà ở, nhà dân dụng và không áp dụng cho công trình thuộc nhà công nghiệp, công trình đặc biệt. Vậy tiêu chuẩn này gồm những công đoạn nào?
Tiêu chuẩn thi công công tác lát và láng hoàn thiện trong xây dựng
Tiêu chuẩn công tác lát và láng trong xây dựng quy định các yêu cầu kỹ thuật chính và hướng dẫn các bước thi công, kiểm tra và nghiệm thu chất lượng lát và láng trong các công trình xây dựng và công nghiệp.
Tiêu chuẩn thi công công tác lát hoàn thiện
Công tác lát chỉ được bắt đầu khi đã hoàn tất công việc ở phần kết cấu bên trên và xung quanh. Cụ thể:
- Mặt lát phẳng, không gồ ghề, lồi lõm cục bộ và được làm sạch.
- Vật liệu lát đúng chủng loại thiết kế, kích thước, màu sắc và tạo được hoa văn, đường viền trang trí.
- Các tấm lát, gạch lát phải vuông vắn, không nứt góc, cong vênh hay xuất hiện các khuyết tật khác.
- Kiểm tra mặt lát bằng thước đo có chiều dài 2m.
- Khe hở giữa các mặt lát phải ⋦ 3mm.
- Độ dốc và phương dốc của mặt lát theo đúng bản vẽ thiết kế.
- Giữa gạch lát và sàn phải lót đầy vữa. Kiểm tra độ đặc của lớp vữa liên kết bằng cách gõ nhẹ lên mặt lát, nếu có chỗ nào bị bộp thì bốc lên lát lại.
- Chiều dày lớp vữa xi măng lót phải ⋦ 15mm. Mạch giữa các viên gạch phải ⋦ 1,5mm và được chèn đầy xi măng nguyên chất hòa với nước dạng hồ nhão.
- Phần tiếp giáp giữa các mạch lát, giữa mạch lát và chân tường phải chèn đầy vữa xi măng.
Mặt lát phải đảm bảo về độ phẳng, độ cao, độ dốc, độ dính kết với mặt nền lát. Chiều dày mạch vữa, chiều dày lớp vữa lót, màu sắc, hình dáng trang trí… phải đúng thiết kế.
Thi công công tác láng
Lớp láng được tiến hành trên nền gạch, bê tông cốt thép hay các loại bê tông. Trước khi láng, kết cấu nền phải phẳng, và được làm sạch rong rêu, các vết dầu, bụi bẩn.
Để đảm bảo độ kết dính tốt giữa lớp vữa láng và nền, nếu mặt nền khô phải tưới nước và băm nhám bề mặt. Nếu mặt nền có lớp lót thì phải khía mặt lát thành ô có cạnh từ 10 – 15cm.
Lớp láng cuối cùng bằng vữa xi măng cát với kích thước hạt lớn nhất ⋦ 2mm, làm phẳng theo độ dốc thiết kế. Sau khi láng lớp vữa cuối cùng khoảng 4 – 6 tiếng thì có thể đánh bóng bề mặt láng bằng cách rải đều một lớp bột xi măng.
Mặt láng phải đảm bảo độ bóng theo bản thiết kế. Quá trình mài bóng và vá các vết lõm cục bộ cùng các vết xước gợn lên trên bề mặt được tiến hành đồng thời.
Với những khu vực và diện tích có yêu cầu chống thấm cao như bể chứa nước, khu vệ sinh, máng dẫn nước và thoát nước… ngoài việc trát láng thông thường, trước đó phải làm các lớp chống thấm theo thiết kế. Chất lượng mặt láng phải đảm bảo các yêu cầu về độ dốc, độ phẳng…
Tiêu chuẩn thi công công tác trát hoàn thiện trong xây dựng
Tiêu chuẩn công tác trát quy định các yêu cầu kỹ thuật chính và hướng dẫn trình tự thi công, kiểm tra, nghiệm thu chất lượng các công trình dân dụng và công nghiệp.
Trát là một trong những công đoạn quan trọng của công trình. Do đó, khi tiến hành trát, quý vị cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật để bảo đảm các tiêu chuẩn trát sau:
- Mặt trát đảm bảo độ phẳng và không bị gồ ghề.
- Các góc tường cần vuông vắn và cân đều nhau. Đặc biệt, các công trình có tường cong, các góc vuông, khớp nối, cầu thang, nơi có đường đi của ống nước bị lồi ra, đường dẫn dây điện cần chắc chắn, kín kẽ và không để bị nứt.
- Các đường gờ, cạnh tường cần trát phẳng, sắc nét… Các cạnh cửa phải song song với nhau. Lớp vữa trát tường phải kẹp sâu vào dưới nẹp khuôn cửa tối thiểu là 10mm.
- Nếu tường có âm thanh lộp bộp khi gõ hay có vết nứt, lồi lõm, phồng lên, sần sùi thì cần phá bỏ chỗ đó và trát lại.
- Nếu tường lát đá trang trí thì cần phải kiểm tra theo tiêu chuẩn xây dựng.
Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn trát này thì công trình sẽ được bảo vệ khỏi các tác động của môi trường và tăng tuổi thọ một cách đáng kể.
Tiêu chuẩn thi công công tác ốp hoàn thiện trong xây dựng
Tiêu chuẩn ốp quy định các yêu cầu kỹ thuật chính và hướng dẫn trình tự thi công, kiểm tra và nghiệm thu chất lượng ốp trong các dự án xây dựng và công nghiệp.
Công tác ốp bảo vệ hay ốp trang trí công trình nên tiến hành sau khi đã hoàn thành công tác xây lắp kết cấu. Ốp trên kết cấu lắp ghép có thể thực hiện trước hoặc sau khi lắp dựng kết cấu và dựa vào đặc điểm của các loại vật liệu ốp.
Khi ốp trang trí bên ngoài và bên trong công trình bằng các loại vật liệu gỗ, gạch gốm, tấm sứ, tấm nhựa thông tổng hợp, tấm đá thiên nhiên hay nhân tạo… thường được tiến hành sau khi công tác xây lắp kết cấu đã hoàn thành.
Để đảm bảo độ bám dính tốt giữa kết cấu và tấm ốp, cần làm sạch mặt sau của tấm ốp. Trước khi ốp phải tạo sau bề mặt ốp, sau đó mới phết lớp vữa gắn kết.
Sau khi ốp, mặt ốp phải đạt các yêu cầu tiêu chuẩn dưới đây:
- Tổng thể mặt ốp phải đảm bảo đúng kích thước và hình dáng.
- Vật liệu ốp phải đúng quy chuẩn về kích thước, màu sắc, không bị cong vênh, sứt mẻ. Kích thước khuyết tật trên mặt ốp không vượt quá các trị số cho phép trong tiêu chuẩn thiết kế.
- Các hình ốp, hoa văn trên bề mặt ốp phải đúng theo bản thiết kế.
- Phải đồng nhất màu sắc mặt ốp bằng vật liệu nhân tạo hay vật liệu thiên nhiên. Hơn nữa, cần sắp xếp các tấm gạch hài hòa về màu sắc, đường vân.
- Các mạch vữa ngang và dọc cần thẳng, sắc nét, đều đặn và đều vữa. Vữa đệm giữa kết cấu và tấm ốp phải đặc, khi vỗ mặt ốp không phát tiếng bộc.
Tiêu chuẩn Việt Nam về gạch ốp lát
Tiêu chuẩn về gạch ốp lát quy định việc thi công, nghiệm thu quá trình ốp lát gạch trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đối với các loại gạch gốm ốp lát, gạch mosaic, gạch terrazzo và đá ốp lát tự nhiên.
Trước khi thi công cần hoàn thành các công việc có liên quan để tránh va chạm làm hư hại, ảnh hưởng đến chất lượng mặt ốp/ lát. Lập kế hoạch công việc để đảm bảo đủ thời gian thi công và thời gian không được đi lại trên những diện tích vừa lát.
Khi thi công, hạn chế cắt gạch càng nhiều càng tốt. Nếu phải cắt gạch thì nên đưa những viên bị cắt vào các vị trí khuất. Nếu loại gạch ốp lát có hoa văn thì cần chọn và sắp xếp các tấm gạch kề nhau. Để hài hoà về màu sắc, độ bóng, đường vân và theo chỉ dẫn của kiến trúc sư. Ngoài ra, quý vị cần lưu ý một số điểm dưới đây:
- Kiểm tra độ phẳng nền ốp trước khi ốp phẳng. Nếu nền ốp có độ lồi lõm > 15mm thì cần trát phẳng với vữa xi măng cát. Độ lồi lõm của nền ốp bằng keo phải ≤ ± 3mm khi kiểm tra bằng thước dài 2m.
- Chỉ ốp trên nền ốp có lớp vữa trát lót tạo phẳng khi mức độ lớp vữa trát lót đạt tối thiểu 75% mác vữa thiết kế. Lớp vữa trát lót phải đảm bảo tính bám dính tốt với nền trát.
- Độ phẳng của các mạch ốp khi ốp phẳng không được sai lệch > 1mm khi chiều rộng mạch ốp < 6mm; không > 2mm khi mạch ốp ≥ 6mm.
Tiêu chuẩn Việt Nam về tấm thạch cao
Tiêu chuẩn tấm thạch cao quy định yêu cầu kỹ thuật đối với tấm thạch cao không sợi và tấm thạch cao sợi ứng dụng trong thi công xây dựng.
Tấm thạch cao được kết hợp với khung treo để làm trần nhà và tạo bề mặt tiếp nhận trang trí phù hợp. Dựa vào nguyên liệu sản xuất tấm thạch cao và mục đích sử dụng. Mà có thể phân thành hai loại: tấm thạch cao không sợi và tấm thạch cao sợi.
Với tấm thạch cao không sợi
- Cho phép sai khác của các kết quả đo chiều dày lên đến 0,8mm.
- Tùy vào điều kiện thiết bị mà có thể chọn một trong hai cách thử với tốc độ gia lực không đổi. Hay thử với tốc độ chuyển động của đầu gia tải không đổi để xác định các chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm.
Với tấm thạch cao sợi
- Cho phép sai khác của các kết quả đo chiều dày lên đến 0,8 mm.
- Độ thẩm thấu hơi nước chỉ dùng cho tấm thạch cao có mặt sau tráng lớp kim loại. Với độ ẩm mặt không tráng là 50% và độ ẩm mặt tráng kim loại là 0%. Điều này chỉ tiến hành khi có yêu cầu của khách hàng.