Bạn sắp khởi công xây nhà nhưng lại lo lắng không biết cách tính diện tích xây dựng như thế nào? Thực ra đây cũng là nỗi lo của rất nhiều chủ nhà, bởi không biết cách tính diện tích xây dựng thì cũng đồng nghĩa với việc không dự trù được chi phí, dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để nắm được cách tính diện tích xây dựng nhanh và chuẩn xác nhất nhé!
Diện tích xây dựng là gì?
Muốn tìm hiểu cách tính diện tích xây dựng, điều trước tiên bạn cần hiểu rõ chính là diện tích xây dựng. Có khá nhiều hiểu lầm xung quanh khái niệm này. Nhiều người cho rằng xây nhà 1 trệt 1 lầu với diện tích sàn 50m2 thì tổng diện tích xây dựng chỉ có 100m2, nhưng thực tế không phải là như vậy.
Diện tích xây dựng là toàn bộ diện tích có hao phí chi phí xây dựng, diện tích này bao gồm cả phần diện tích được thể hiện trong giấy phép xây dựng và phần diện tích không được thể hiện trong giấy phép xây dựng nhưng có hao phí chi phí xây dựng như xây tường, lát gạch…
Diện tích xây dựng không phải diện tích đất. Muốn tìm cách tính diện tích xây dựng từ diện tích đất, cần phải xác định xem tỉ lệ % mật độ được phép xây dựng công trình tại khu đất đó là bao nhiêu.
Từ khái niệm diện tích xây dựng suy ra một khái niệm khác mà các chủ đầu tư cũng cần phải nắm rõ, đó là diện tích sàn. Diện tích sàn được tính từ phạm vi mép ngoài của tường bao thuộc tầng đó (bao gồm cả hành lang, lô gia, thông tầng…). Ví dụ diện tích sàn tầng trệt kích thước 5*12m là 60m2. Nhà có bao nhiêu tầng thì có bấy nhiêu sàn.
Diện tích xây dựng = Diện tích sàn các tầng + Diện tích các hạng mục khác (Móng, mái, sân, tầng hầm).
Khi nắm được cách tính diện tích xây dựng cũng như đơn giá xây thô và xây hoàn thiện, chủ nhà sẽ dự trù được chi phí từ đó chủ động lên kế hoạch tài chính trước khi xây nhà. Trên thị trường có nhiều đơn vị làm ăn không uy tín, báo giá xây dựng rẻ nhưng lại lợi dụng chủ nhà không nắm được diện tích xây dựng mà kê chênh lên, như vậy chủ nhà sẽ bị thiệt thòi.
Chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu chi tiết về các hạng mục cần tính trong khái niệm diện tích xây dựng ngay dưới đây.
Cách tính diện tích xây dựng
Phần gia cố đất nền yếu
Với các khu vực có đất nền yếu mà muốn xây dựng các công trình nhiều hơn 1 tầng, thông thường ta sẽ phải sử dụng các biện pháp khác nhau để gia cố. Chi phí cho phần này sẽ được báo giá sau khảo sát tùy thuộc vào điều kiện công trình cũng như loại phương án được lựa chọn để gia cố.
Nếu sử dụng phương án đổ bê tông cốt thép thì sẽ tính 20% diện tích.
Phần móng
Mỗi loại móng có một hệ số khác nhau. Thông thường như sau:
- Móng đơn: 20-40% diện tích
- Móng cọc: Đài móng trên nền cọc bê tông cốt thép ép tải tính 50% diện tích nếu diện tích sàn nhỏ hơn 50m2, 40% diện tích nếu nhỏ hơn 150m2 và 30% diện tích nếu lớn hơn 150m2 (Chưa tính cọc). Đài móng trên nền cọc khoan nhồi, cọc bê tông cốt thép ép neo tính 40% diện tích.
- Móng băng: 50% diện tích
- Móng bè: 100% diện tích
Phần nhà
Trong cách tính diện tích xây dựng thì hệ số phần nhà được xem xét tính toán như sau:
- Phần diện tích có mái che phía trên: Tính 100% diện tích
- Phần diện tích không có mái che nhưng có lát gạch nền (ví dụ như ban công): Tính 70% diện tích
- Phần lô gia: Tính 100% diện tích
Phần ô trống trong nhà (thông tầng)
Phần này sẽ bao gồm cả giếng trời và phần diện tích thông tầng của tầng lửng
- DIện tích <8m2: tính 100% diện tích. Đa phần các giếng trời đều có diện tích không quá 8m2.
- Diện tích >8m2: tính 50% diện tích. Thông tầng lửng thường >8m2.
Tầng hầm (nếu có)
Tầng hầm sẽ được tính riêng, không tính chung với móng, và phần này cũng thường là phần ngốn kha khá chi phí của chủ nhà do những đặc thù về thi công.
Tính hệ số tầng hầm trong cách tính diện tích xây dựng như sau:
- Hầm có độ sâu dưới 1,5m so với đỉnh ram hầm: Tính 150% diện tích
- Hầm có độ sâu từ 1,5-1,7m so với đỉnh ram hầm: Tính 170% diện tích
- Hầm có độ sâu 1,7-2m so với đỉnh ram hầm: Tính 200% diện tích
- Hầm có độ sâu trên 2m so với đỉnh ram hầm: Tính 250% diện tích
Phần sân tầng 1
- Sân có diện tích dưới 15m2, có đổ cột, đổ đà kiềng, xây tường rào, lát gạch nền: tính 100% diện tích
- Sân có diện tích dưới 30m2, có đổ cột, đổ đà kiềng, xây tường rào, lát gạch nền: tính 70% diện tích
- Sân có diện tích trên 30m2, có đổ cột, đổ đà kiềng, xây tường rào, lát gạch nền: tính 50% diện tích
Phần sân thượng
- Có mái che như các tầng: tính 100% diện tích
- Không có mái che nhưng có lát gạch nền: tính 50% diện tích
- Không có mái che nhưng có hệ đà: tính 75% diện tích
- Phần trang trí Pergola có lát gạch nền: tính 50% diện tích
Phần mái
Trong cách tính diện tích xây dựng nhà thì phần hệ số cho mái sẽ được tính như sau:
- Mái bê tông cốt thép, không lát gạch: tính 50% diện tích mái; có lát gạch: tính 60% diện tích mái
- Mái ngói vì kèo sắt: tính 70% diện tích mái
- Mái bê tông dán ngói: tính 100% diện tích mái
- Mái tôn: tính 30% diện tích mái
Đối với các căn nhà có thang máy gia đình
Tùy thuộc vào loại thang máy có hố PIT hay không, cabin cao bao nhiêu, thang máy thường hay thang máy kính…có hệ kết cấu riêng sẽ được báo giá trong báo giá cụ thể của từng đơn vị nhà thầu.
Ví dụ về cách tính diện tích xây dựng nhà
Cách tính diện tích xây dựng nhà: 5*25m (sân 5m, khối nhà chính 20m); sân trước 3m, sân sau 2m
Quy mô: 1 tầng hầm, 5 tầng + 1 tum
Cách tính như sau: ta có diện tích sàn S= 5mx20m= 100m2
- Tầng hầm 1-1,5m = 100 x 150% = 150m2
- Sân: (3+2) x 5 x 100%= 25m2
- Tầng 1- tầng 5: (5 x 20) x 5 x100% = 500m2
- Ban công 1,2m có tường hai bên và mái che: (5×1,2) x 5 tầng x100% = 30m2
- Sân thượng: Phần trong nhà: 5 x 10m= 50m2
- Phần ngoài nhà: Seno mái trước 0,9m; mái sau 0,9m: (0,9 + 0,9) x 5 x 100% = 9m2
- Sân thượng trước có hệ đà + ban công: (4 + 1,2) x 5 x 75% = 19,5m2
- Sân thượng sau có hệ đà: (20 – 0,9 -0,9 – 4) x 5 x 75% = 15,75m2
- Mái bê tông cốt thép: (10 + 0,9 + 0,9) x 5 x 50% = 29,5m2
Cộng các phần trên lại, ta có tổng diện tích xây dựng của căn nhà này là: 828,75m2.
Như vậy, trên đây đã hướng dẫn bạn đọc cách tính diện tích xây nhà ở theo từng phần chi tiết. Lưu ý rằng đây chỉ là con số ở mức dự kiến. Để chủ nhà đưa ra được mức chi phí dự tính, không phải con số chính xác 100%. Để có con số cuối cùng, cần có bản bóc tách chi tiết và kỹ lưỡng hơn của đơn vị có chuyên môn.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!