Giáo trình Cơ sở tạo hình kiến trúc cung cấp cho người học các kiến thức: Cơ sở tạo hình kiến trúc, chuyên ngành kiến trúc, yếu tố công năng, yếu tố nghệ thuật, yêu cầu của kiến trúc
CƠ SỞ KIẾN TRÚC II
DÀNH CHO CHUYÊN NGÀNH KIẾN TRÚC
BIÊN SOẠN:
TH.S-KTS TÔ VĂN HÙNG
TH.S-KTS TRẦN ĐỨC QUANG
CHƯƠNG 1
NHỮNG KHÁI NIỆM CHUNG VỀ KIẾN TRÚC
1. Những khái niệm chung về kiến trúc
1.1 Định nghĩa: Ba yếu tố tạo thành kiến trúc.
Kiến trúc là một môn khoa học đồng thời là nghệ thuật xây dựng nhà cửa và công trình, là một hoạt động sáng tạo của con người nhằm tạo ra một môi trường thích nghi và phục vụ tốt cho điều kiện sinh hoạt của con người. Bất cứ một công trình kiến trúc nào cũng cần có :
- Yếu tố công năng: Mục đích đầu tiên và quan trọng nhất đối với một công trình Kiến trúc đòi hỏi chức năng, công dụng phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng của con người. Yếu tố này luôn thay đổi theo sự phát triển của xã hội về cơ sở vật chất và trình độ văn hóa của con người.
- Yếu tố kỹ thuật – vật chất: Khả năng vật liệu, giải pháp kết cấu, phương pháp thi công. Vật liệu tạo thành kết cấu và cấu tạo nên hình khối không gian. Vì vậy Kiến trúc phải phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật.
- Yếu tố nghệ thuật: Công trình Kiến trúc phải đẹp, có bộ mặt hấp dẫn, có tác động tốt đến tâm lí và nhận thức của con người. Cách tổ chức không gian bên trong, bên ngoài, màu sắc vật liệu và các thủ thuật trang trí phải đảm bảo mỹ quan. Ba yếu tố trên liên hệ chặt chẽ với nhau. tùy theo mục đích, tính chất đặc điểm của công trình mà có những yêu cầu cao thấp khác nhau.
1.2 Các đặc điểm và yêu cầu của kiến trúc.
Tác phẩm kiến trúc mang một số đặc điểm sau:
1.2.1 Kiến trúc là tổng hợp giữa khoa học kỹ thuật và nghệ thuật:
Một công trình Kiến trúc được xây dựng lên đáp ứng được yêu cầu sử dụng của con người; phải ứng dụng tốt các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, phải thỏa mãn yêu cầu kinh tế; phải đạt được yêu cầu thẩm mỹ của số đông người.