Móng gạch, móng đá hộc, móng bê tông, bêtông cốt thép là một trong số rất nhiều các loại cấu tạo móng nhà dân dụng và công nghiệp.
Cấu tạo móng gạch
Móng gạch là loại móng phổ biến nhất trong nhà dân dụng trước đây bởi vì nó thích hợp với kỹ thuật xây dựng thủ công, lợi dụng được vật liệu địa phương và rẻ tiền. Móng gạch dùng khi bề rộng đáy móng B < 1.5m thì mới tăng tính kinh tế.
Để phù hợp với cỡ gạch (5.5 x 10.5 x 22cm, mạch vữa ngang 1.5cm, mạch vữa đứng 1cm), có 2 phương pháp xây giật bậc.
- Độ cao bậc móng có thể lấy là 7, 14, 7, 14, 7, 14,…
- Độ cao bậc móng cũng có thể lấy là 14, 14, 14, 14,…
Chiều rộng mỗi lần giật trung bình bằng ¼ chiều dài viên gạch. Góc cứng của hai phương pháp này là 260 5 và 330 5 thì tương đối kinh tế nhưng phải dùng vữa xi măng cát để xây.
Gối móng và tường móng phải được xây bằng gạch có cường độ 75kg/cm² với vữa xi măng cát 1:4 hoặc 1:3 (cho nhà cấp II, cấp III) hay vữa tam hợp 1:1:4 hoặc 1:1:6 (cho nhà cấp 4).
Bậc cuối cùng của gối móng thường dày 15 – 30cm và tùy theo cấp nhà mà làm bằng bê tông đá dăm hay bê tông gạch vỡ mác từ 100 đến 150.
Lớp đệm móng ở đây với tác dụng làm sạch và bảo vệ đế móng thường làm bằng cát đầm chặt dày 5 – 10cm.
Đối với cấu tạo móng gạch lệch tâm ở khe lún bậc móng nên rộng bằng ½ chiều dài viên gạch và cao 14 hoặc 21cm (hai hoặc ba hàng gạch).
Cấu tạo móng đá hộc
Móng đá hộc là loại phổ biến dùng trong nhà dân dụng thấp tầng – nhất là ở những nơi nhiều đá.
Tùy theo tải trọng truyền xuống móng lớn hay nhỏ, đất khỏe hay yếu mà có thể cấu tạo như hình bên dưới.
Do kích thước của đá lớn; và không đều nhau cho nên chiều rộng tối thiểu của gối móng phải bằng 50cm; bảo đảm kích thước của mỗi viên đá không lớn hơn 1/3 chiều rộng của móng.
Với móng có giật bậc, chiều cao mỗi bậc thường không nhỏ hơn 50cm. Đá hộc dùng xây móng phải có cường độ 200kg/cm².
Chất liên kết có thể dùng vữa tam hợp 1:1:5 hoặc 1:1:9 hay vữa xi măng cát 1:4.
Lớp đệm thường là cát đầm chặt dày 5 – 10cm hoặc là lớp bê tông gạch vỡ; bê tông đá dăm 15 – 30cm tùy theo tình hình nền móng.
Cấu tạo móng bê tông
Móng bê tông nói chung dùng xi măng làm vật liệu liên kết; và dùng những cốt liệu khác nhau như đá dăm, sỏi, cát, gạch vỡ,… tạo thành. Đối với những ngôi nhà có tải trọng lớn hoặc móng sâu có thể dùng móng bê tông.
Số hiệu bê tông trong móng bê tông do tính toán quyết định; nói chung không nhỏ hơn 50, góc cứng có thể đạt 45 độ.
Hình dáng móng bê tông thường hình thang hoặc giật cấp. Khi chiều cao móng từ 400 đến 100mm thì chọn hình giật cấp. Đối với móng bê tông có thể tích lớn hơn như móng của thiết bị loại lớn của kiến trúc công nghiệp thì có thể thêm đá hộc vào bê tông và gọi là bê tông đá hộc. Tổng thể tích đá hộc có thể chiếm 30 – 50% tổng thể tích của móng; như thế có thể tiết kiệm được xi măng.
Kích thước mỗi viên đá hộc dùng trong móng bê tông đá hộc cũng không được vượt quá 1/3 chiều rộng của móng; đường kính của nó cũng không được vượt quá 300mm; khoảng trống giữa các viên đá hộc không nhỏ hơn 40mm.
Lớp đệm móng thường là lớp cát dày 5 – 10cm.
Cấu tạo móng bê tông cốt thép
Móng làm bằng vật liệu gạch, đá, bê tông thì chịu uốn rất kém; do đó những nhà có tải trọng lớn; hoặc khả năng chịu tải của nền yếu mà dùng các vật liệu trên làm móng thì móng sẽ rất lớn và rất sâu; tốn rất nhiều sức lao động và vật liệu; thi công phức tạp, do đó người ta dùng bê tông cốt thép để làm móng thì kinh tế hơn.
Nếu độ sâu chôn móng bị hạn chế hoặc yêu cầu của nhà cần có móng ổn định; và cường độ cao (như nhà chịu chấn động lớn) thì cũng không thể dùng móng gạch; đá hoặc bê tông mà phải dùng móng bê tông cốt thép.
Hình dáng mặt cắt của móng bê tông cốt thép cũng không bị hạn chế; có thể hình chữ nhật, hình thang nhưng hình thang là được dùng phổ biến nhất.
Đối với những nơi đất rắn tốt, có thể không cần lớp đệm móng; hay có chăng nữa cũng chỉ là lớp cát đầm chặt dày 5cm để làm phẳng đáy móng. Những nơi đất yếu, ướt át thì cần có lớp đệm bê tông gạch vỡ mác 50 dày 10 – 15cm.