Kết cấu tường chịu lực là kết cấu trong đó mọi tải trọng của sàn, lực dọc thẳng đứng cũng như lực ngang đều truyền vào trường và qua đó truyền xuống móng. Sơ đồ chịu lực giống như một cái hộp mà tường là thành đứng và sàn là các thành nằm ngang. Độ cứng không gian của hệ sườn do những liên kết giữa tường và sàn bảo đảm. Độ ổn của công trình phụ thuộc độ ổn định của bản thân tường, độ cứng của sàn và độ cứng của các mối liên kết giữa tường và sàn.
Kếu cấu tường chịu lực kém hơn kết cấu khung chịu lực. Kết cấu tường chịu lực chỉ thích hợp cho những công trình dân dụng có không gian nhỏ và số tầng không quá 5 tầng, tải trọng nhẹ.
Kết cấu tường chịu lực
Dựa theo sự làm việc của từng loại tường mà người ta chi ra các loại sơ đồ sau :
- Tường ngang chịu lực.
- Tường dọc chịu lực.
- Tường ngang và tường dọc cùng chịu lực.
Kết cấu tường ngang chịu lực
Tường ngang chịu lực thường được áp dụng cho các nhà có phòng đồng đều và chiều rộng của gian nhỏ (gian không rộng quá 4.2m).
Ưu điểm của tường ngang chịu lực
- Kết cấu và thi công đơn giản, thích hợp với điều kiện bán cơ giới.
- Độ cứng ngang nhà lớn, chống gió bão tốt.
- Thông gió và cách âm cho các phòng tốt.
Nhược điểm
- Tốn vật liệu tường và móng, trọng lượng nhà lớn.
- Không tận dụng được khả năng chịu lực của tường chu vi.
- Các phòng đơn điệu, gò bó, cứng nhắc.
Kết cấu tường dọc chịu lực
Được áp dụng trong những ngôi nhà cần tận dụng sự làm việc của tường chu vi, nhà có không gian nông, cần bố trí linh hoạt như bệnh viện, trường học.
Ưu điểm
- Tốn ít vật liệu tường, móng.
- Tiết kiệm không gian.
- Dễ bố trí linh hoạt không gian bên trong.
- Cấu tạo ban công, ô văng dễ.
Nhược điểm
- Khó giải quyết thông gió xuyên phòng cho tất cả các phòng.
- Độ cứng ngang của nhà nhỏ.
- Độ cách âm của phòng kém.
- Khó tạo lô gia cho các phòng.
- Khó tổ hợp mặt đứng.
Khi áp dụng kết cấu tường dọc chịu lực cần hết sức chú ý bảo đảm độ cứng ngang cho nhà. Muốn vậy cần chú ý cấu tạo giằng tường, lợi dụng tường chịu lực của tầng cầu thang và cứ một khoảng độ 20m nên cấu tạo một tường ngang nối liền các tường dọc.
Để tiết kiệm vật liệu và lợi dụng không gian hơn nữa, người ta thường thay tường dọc bên trong thành các hàng cột trên gác dầm hay giằng liên kết (khung khuyết).
Tường ngang kết hợp tường dọc chịu lực
Sơ đồ này thường gặp ở các nhà cao tầng. Giải pháp này cho phép bố trí các phòng linh hoạt, song còn lãng phí tường móng và không gian.
Phía đầu gió thường giải quyết theo sơ đồ tường ngang chịu lực dùng để bố trí phòng ở. Phía cuối gió theo kiểu tường dọc chịu lực dùng để bố trí các phòng phụ như nhà bếp, nhà vệ sinh, cầu thang, kho,…
Ở đây cũng cần chú ý độ cứng ngang nếu như sàn ở phần tường dọc chịu lực là lắp ghép. Có thể giải quyết bằng cách từng đoạn có cấu tạo giằng ngang.
Loại sườn tường chịu lực không chỉ có áp dụng cho tường xây bằng gạch mà còn cả tường bê tông, bê tông cốt thép và có thể cấu tạo toàn khối hoặc lắp ghép (nhà panen hay block).
Kết cấu khung chịu lực
- Khung ngang
- Khung dọc
- Khung cuốn
Kết cấu khung ngang chịu lực
Là loại khung mà dầm chính của nó nằm trên khung ngang của nhà. Đặc điểm của sơ đồ này là có độ cứng chung lớn vì thế áp dụng rất hợp lý cho những khung nhà cao tầng; các nhà xưởng công nghiệp.
Sơ đồ khung ngang chịu lực cũng rất hay dùng cho trường hợp khi cần cấu tạo những hành lang hay lô gia kiểu côngxon (do dầm mút thừa đỡ).
Nhịp hay khẩu độ của khung ngang thông thường từ 6 – 9m đối với nhà dân dụng,;bước khung 3,6 – 7m cho các nhà bê tông cốt thép phổ biến.
Tùy theo tính chất mối liên kết giữa dầm chính với cột ; và cột với móng mà người ta phần biệt khung cứng và khung khớp.
Khung cứng áp dụng cho trường hợp đất đồng nhất, lún đều, nhà chịu tải trọng lớn, cao tầng.
Khung khớp áp dụng cho nhà xây trên nền đất không đồng nhất, có độ lún không đều.
Khung dọc chịu lực
Khung dọc chịu lực có dầm chính dọc theo chiều dài nhà. So với khung ngang thì độ cứng của nhà kém hơn, nhất là về phương ngang của nhà. Sơ đồ này chỉ phù hợp với các loại nhà có khẩu độ hẹp hơn 6m.
Rất hay gặp trong các nhà khung panen lắp ghép hai khẩu độ với lưới cột 6 x 6m (trường học, bệnh viện,…) với số tầng không lớn lắm (dưới 5 tầng).
Để đảm bảo độ cứng ngang cho nhà thường phải làm thêm dầm phụ hay lợi dụng sống đứng của panen liên kết chặt chẽ với dầm và cột.
Ưu điểm của sơ đồ này là tốn ít vật liệu, dễ cấu tạo ô văng, ban công; dễ bố trí phòng linh hoạt, dễ đặt đường ống đứng xuyên qua sàn. Thuộc loại khung dọc cũng có khung cứng và khung khớp tùy theo đặc điểm của mối liên kết giữa cột với dầm chính và giữa cột với đất hay móng.
Khung cuốn chịu lực
Là loại khung ngang mà trong đó dầm khung là một thanh cong, có thể có cột hay không cột.