Thông gió tầng hầm là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với tất cả các công trình có hạng mục này như các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn, các tòa chung cư cao tầng… Với đặc thù tầng hầm chứa nhiều phương tiện xe cộ nên dễ sản sinh ra nhiều loại khí bụi độc hại, đồng thời lại có thiết kế kín, không gian hạn chế nên thông gió tầng hầm là công tác quan trọng để loại bỏ các tác nhân tiêu cực này. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về thông gió tầng hầm trong bài viết này nhé.
Định nghĩa thông gió tầng hầm
Hiện nay chưa có khái niệm nào được coi là chuẩn xác nhất về thông gió tầng hầm. Tuy nhiên, ta có thể hiểu đơn giản thông gió tầng hầm là sự trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài của tầng hầm tạo ra sự thông thoáng, giảm tải các chất độc hại (CO, NO, NO2…) có trong không khí; đồng thời mang lại không khí tươi và cung cấp O2 cho hoạt động của con người dưới tầng hầm.
Thông gió tầng hầm thường bao gồm thông gió tự nhiên hoặc thông gió cơ học.
Hệ thống thông gió cơ học thường bao gồm các thiết bị như quạt hút gió/ khói, đầu hút gió/ khói, đầu xả cửa gió, đường dẫn gió và một số phụ kiện đi kèm khác.
Tại sao phải thông gió tầng hầm?
Chúng ta đều đã biết tầng hầm được tạo ra với 2 mục đích chính: một là hầm để xe, phương tiện di chuyển và hai là làm nhà kho chứa đồ. Mà tầng hầm nằm âm dưới mặt đất, đồng nghĩa với việc rất thiếu ánh sáng tự nhiên. Nên bản thân nó đã là mội môi trường ẩm thấp. Các loại khí, chất độc hại sản sinh từ các phương tiện xe cộ hay đồ đạc có trong hầm. Khi tỏa ra trong hầm không được tiêu tán kịp thời có thể tích tụ lại tạo nên một môi trường ô nhiễm.
Môi trường tầng hầm là nơi dễ sản sinh các loại nấm mốc nhất. Hơi ẩm từ trong đất dễ dàng thấm qua nền, tường bao che tiếp xúc với nguồn không khí ấm hơn trong hầm gây ra sự ngưng tụ. Khi nồng độ quá cao, sự ngưng tụ quá mức sẽ tạo ra mùi ẩm mốc khó chịu. Nếu tầng hầm bị thấm hay độ ẩm ướt cao hơn thì điều tất yếu là sẽ sinh ra các loại nấm mốc độc hại.
Các loại nấm mốc, đặc biệt là các nấm đen là một mối hiểm họa với sức khỏe mà nhiều người không ngờ tới. Nếu bạn xuống tầng hầm nhà mình và nhìn thấy những đốm đen li ti xuất hiện khắp tường thì chính là loại nấm đen này. Không chỉ gây mất thẩm mỹ và làm giảm chất lượng của công trình. Đồ vật nấm mốc còn gây ra hàng loạt các vấn đề về sức khỏe cho người hít phải chúng. Như dị ứng, nổi mề đay, các bệnh về hô hấp như ho, hen suyễn, buồn nôn…
Chính vì vậy mà giữ cho tầng hầm khô ráo và thông gió tầng hầm là điều vô cùng quan trọng. Vì một khi nấm mốc đã hình thành mà không được xử lý triệt để thì sẽ không ngừng sinh sôi và lan truyền rất nhanh. Đặc biệt là những gia đình có trẻ em và người già hay người mắc các bệnh về hen suyễn thì lại càng không thể coi nhẹ.
Lợi ích của thông gió tầng hầm
Có thể kể đến các lợi ích cụ thể của thông gió tầng hầm như sau:
- Loại bỏ nhanh chóng các loại khí độc hại gây ô nhiễm không khí trong tầng hầm
- Đưa không khí tươi vào trong hầm tạo môi trường không khí “trong” và “sạch” hơn. Đảm bảo nó luôn ở ngưỡng an toàn cho người thường xuyên ra vào hay làm việc ở tầng hầm.
- Hạn chế các nguy cơ cháy nổ trong tầng hầm, do nơi đây thường xuyên tích tụ nhiều khí CO2.
- So với việc lắp điều hòa thì hệ thống thông gió tầng hầm giúp tiết kiệm chi phí hơn. Hệ thống thông gió tiện dụng, tiếng ồn nhỏ, phù hợp với điều kiện khí hậu và kinh tế của nước ta.
Các phương án thông gió tầng hầm
Thông gió tự nhiên và thông gió cơ học là hai phương án thông gió tầng hầm chính hiện nay.
Thông gió tự nhiên
Thông gió tầng hầm tự nhiên là cơ chế sử dụng các luồng không khí tự nhiên. Cách thức này chỉ áp dụng cho các tầng hầm có thiết kể cửa sổ hoặc ô lấy gió đặc biệt. Để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa thì các cửa sổ phải đóng mở được tùy chỉnh.
Các cửa lấy gió bố trí cách đều và đối diện nhau theo hướng tự nhiên của tầng hầm sẽ cho kết quả tốt nhất. Phương án này tiết kiệm được rất nhiều kinh phí. Tuy nhiên trong điều kiện môi trường ẩm ướt quá cao thì không hiệu quả. Và đối với những tầng hầm lớn như trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng… thì chủ yếu sẽ phải sử dụng thông gió cơ học.
Thông gió cơ học
Như đã nêu ở trên, hệ thống thông gió cơ học sử dụng quạt hút để hút khí thải độc hại từ trong tầng hầm ra. Đồng thời cấp không khí tươi bên ngoài vào. Tùy vào quy mô tầng hầm, kinh phí của chủ đầu tư mà sử dụng quạt chỉ có chế độ hút thải. Hoặc có cả chế độ cấp và hút. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về nguyên lý hoạt động của thông gió cơ học trong phần dưới đây.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống thông gió tầng hầm cơ học
Hệ thống thông gió tầng hầm hoạt động theo nguyên lý quạt hút gió sẽ hút các loại bụi bẩn, các chất khí thải độc hại có trong không khí tầng hầm rồi thải ra bên ngoài theo đường ống dẫn.
Tầng hầm được thiết kế kín nên luôn có sự chênh lệch áp suất. Do đó để cân bằng không khí thì không khí bên ngoài sẽ được hút vào bên trong thông qua các đầu xả. Tất nhiên không khí đưa vào đã được làm mát và khử độc, đảm bảo ngưỡng an toàn. Theo cơ chế hoạt động như vậy, không khí tầng hầm luôn được lưu thông và thay đổi.
Quá trình hút khói bụi và xả của hệ thống thông gió tầng hầm được diễn ra liên tục. Đảm bảo môi trường không khí trong hầm luôn ở trạng thái tươi mới, ổn định.
Để hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của hệ thống thông gió tầng hầm, mời bạn đọc quan sát hai bảng sau đây:
Giải thích các ký hiệu:
- EAL: viết tắt của Exhaust Air Louver = louver thải gió tầng hầm.
- EAF: viết tắt của Exhaust Air Fan quạt hút thải tầng hầm
- EAG: Viết tắt của Exhaust Air Grille có thể hiểu là cửa hút, miệng hút gió thải tầng hầm
- FD: van chặn lửa, thường được lắp sau quạt đề phòng cháy lan
- NRD: van một chiều, tránh sự sai hướng của luồng gió
Quan sát sơ đồ trên thì có thể thấy cơ chế hoạt động như sau: Hai tầng hầm B1 và B2 được lắp đặt các quạt hút với lưu lượng 45000m3/h. Gió thải được hút qua các EAG rồi đi qua hệ thống đường dẫn (màu nâu). Sau đó sẽ được quạt hút và thải ra louver đặt bên ngoài trời. Các quạt hút sẽ được lắp đặt tại các phòng riêng để giảm tiếng ốn và tiện lợi cho quá trình bảo trì, sửa chữa.
Đối với chế độ hút gió thì lưu lượng quạt sẽ phải tăng lên từ 1,5-1,6 lần so với chế độ hút thải.
Dưới đây là sơ đồ nguyên lý cấp gió tươi cho tầng hầm:
Giải thích ký hiệu:
- SAG: Viết tắt của Supply air grille : cửa cấp gió tươi tầng hầm
- SAF: Viết tắt của Supply Air Fan quạt cấp gió tầng hầm
- SAL: Supply Air Louver = louver cấp gió tầng hầm.
Cơ chế hoạt động hút gió hoàn toàn tương tự như nguyên lý hút gió thải ở trên.
Phương thức thiết kế hệ thống thông gió tầng hầm
Thiết kế hệ thống thông gió tầng hầm thường bao gồm các bước cơ bản sau:
- Bước 1: Phân tích kết cấu và chọn phương án thiết kế phù hợp. Ở bước này đơn vị thi công cần tìm hiểu kỹ kết cấu tòa nhà. Nắm được các thông tin cơ bản về cơ sở hạ tầng, tổng diện tích, chiều cao..của công trình. Sau đó lựa chọn phương án thông gió tự nhiên hoặc cơ học cho phù hợp.
- Bước 2: Thiết kế hệ thống, bố trí vị trí thiết bị
- Bước 3: Tính toán lưu lượng gió và cột áp tổn thất. Đây là bước vô cùng quan trọng để lựa chọn được quạt cấp – hút phù hợp. Bên cạnh đó, các kỹ sư cũng cần tính toán lượng đầu cấp /hút. Miệng gió sao cho tốc độ gió lưu chuyển tại các cửa phải ở mức tiêu chuẩn cho phép (cửa cấp 1m/s và cửa hút là 1,5m/s).
- Bước 4: Chọn thiết bị phù hợp với thông số đã tính toán.
Như vậy, trên đây chúng tôi đã chỉ ra những thông tin cơ bản về thông gió tầng hầm. Cũng như phương án thiết kế, lựa chọn, lắp đặt các thiết bị thông gió sao cho phù hợp. Hi vọng các thông tin này hữu ích với quá trình xây dựng tầng hầm của các chủ đầu tư.