Ngành học Xây dựng dân dụng và Công nghiệp là học gì? Sau này ra trường làm gì ? Đó là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh và thí sinh đặt ra khi lựa chọn ngành học này. Hãy cùng chúng tôi giải đáp những thắc mắc này nhé.
Ngành học Xây dựng dân dụng và Công nghiệp là gì ?
Xây dựng dân dụng và Công nghiệp là ngành chuyên khảo sát thiết kế, thi công, khai thác và quản lý các công trình phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế khác nhau và phục vụ dân sinh như: nhà ở, văn phòng làm việc, nhà hàng, khách sạn,…; nhà xưởng, nhà kho, các công trình giao thông, thủy lợi, công cộng.
Theo học ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức về:
- Toán – hóa ứng dụng, vật lý kỹ thuật
- Các phần mềm và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này như : trắc địa, thủy lực, kết cấu công trình, sức bền vật liệu, cơ lưu chất, kết cấu nhà cao tầng…;
- Các kỹ năng thiết kế, giám sát, tổ chức thi công,…
- Các đồ án môn học: Thiết kế kết cấu bê tông cốt thép, nhà xưởng công nghiệp, tổ chức thi công
- Các phần mềm bổ trợ: Autocad, phần mềm cho BIM: Revit, Naviswork, Tekla… Dành cho các bạn nâng cao thì còn có lập trình VBA cho Excel, lập trình C#
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được rèn luyện những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc như: tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo,…
Với đặc thù là một ngành kỹ thuật khá khô khan, công việc vất vả nhiều tính toán, đo đạc, thi công, đòi hỏi người kỹ sư xây dựng phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc, thường xuyên đi công tác xa. Do đó ngành này thường được coi là kén nữ, chỉ phù hợp với nam giới. Tuy nhiên, chế độ ưu đãi tốt, mức thu nhập ổn định cùng với cơ hội việc làm đa dạng trở thành lý do khiến ngành này vẫn luôn có sức hút với đông đảo các bạn trẻ.
Cơ hội việc làm của ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Xây dựng dân dụng và Công nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty xây dựng, tư vấn, thiết kế trong và ngoài nước; các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng.
Công việc của một kỹ sư xây dựng chủ yếu chia thành 2 nhóm: Thi công và thiết kế
1. Thi công:
Kỹ sư xây dựng ra trường có thể làm việc tại các công trường hoặc công xưởng trực tiếp thi công, giám sát.
- Ngoài công trường: Các vị trí như kỹ sư thi công, đọc hiểu bản vẽ thiết kế, tính toán khối lượng vật liệu, hướng dẫn công nhân làm việc tuân theo bản vẽ, thực hiện công tác trắc đạc. Ngoài ra còn có thể làm kỹ sư giám sát thi công, chỉ huy trưởng công trường.
- Công xưởng: Kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm…
Nếu là kỹ sư mới ra trường, chấp nhận làm việc thi công tại công trường thì mức lương bạn nhận có thể từ 6-8 triệu VND. Dù khá vất vả và chịu áp lực, nhưng bù lại bạn sẽ học thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.
2. Thiết kế
Không chỉ trực tiếp làm việc tại công trường; kỹ sư xây dựng còn có thể làm việc tại văn phòng, trở thành kỹ sư thiết kế. Có thể đảm nhận các công việc như thiết kế sơ bộ; thiết kế chi tiết kỹ thuật, thiết kế chi tiết kỹ thuật thi công…
Đặc biệt, nếu trở thành kỹ sư thiết kế kết cấu cho các công ty lớn; tùy vào trình độ ngoại ngữ bạn có thể nhận mức lương lên đến 700 – 800 USD mỗi tháng.
Bên cạnh đó, kỹ sư xây dựng dân dụng có thể làm các vị trí như; quản lý chất lượng, lập kế hoạch, dự án đầu tư, dự toán kinh phí; thiết lập hồ sơ đấu thầu và mời thầu, kiểm định chất lượng; quản lý giám sát các dự án xây dựng,…
Trong thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế, khi đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển thì nhu cầu xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình nhà ở, khách sạn,…lại càng được đẩy mạnh. . Khoảng cách cung – cầu nhân lực nhỏ cũng khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành dễ chịu hơn. Do đó, có thể nói sinh viên tốt nghiệp ngành Xây dựng dân dụng – Công nghiệp nói riêng; và ngành Xây dựng nói chung không bao giờ thất nghiệp. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp cho các bậc phụ huynh; và các bạn học sinh có thể hiểu rõ về ngành Xây dựng dân dụng – Công nghiệp; cũng như cơ hội việc làm của ngành.