Trong những năm gần đây, khi kinh tế của người dân ngày càng vững mạnh thì việc xây dựng nhà cửa hay trang trí lại căn nhà đang là một xu hướng phát triển. Các chuyên gia xin cung cấp tới độc giả những kiến thức cần có khi gia chủ bắt tay xây dựng một ngôi nhà
Thiết kế xây dựng một ngôi nhà đẹp là việc không hề đơn giản. Có nhiều ngôi nhà rất to mà không đẹp, lại có rất nhiều ngôi nhà đẹp mà không thoải mái, tiện nghi. Tại sao vậy? Đơn giản là vì khái niệm to và đẹp là hai khái niệm khác hẳn nhau. Đẹp mà không thoải mái là chưa đủ bởi đẹp là vấn đề về mỹ thuật, còn thoải mái, tiện nghi lại thuộc về vấn đề công năng sử dụng các đồ vật trong căn nhà.
Chính vì không hiểu rõ những điều cơ bản đó mà nhiều người dân, mặc dù đã không có sự hiểu biết về thiết kế kiến trúc – thiết kế nội, ngoại thất, lại không thuê mượn được những nhà chuyên môn giỏi cũng như không có những giải pháp cụ thể trong xây dựng trang trí căn nhà, nên cuối cùng họ đã phải nhận những căn nhà không thật đẹp như ý muốn. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?!
Thiết kế kiến trúc ngôi nhà là điều quan trọng nhưng chưa đủ….
Một ngôi nhà muốn đẹp phải có hai yếu tố cơ bản: Thiết kế kiến trúc và thiết kế thi công nội, ngoại thất phải đẹp. Thiếu một trong hai yếu tố trên thì căn nhà sẽ không thể đẹp! Nếu chỉ có thiết kế kiến trúc đẹp thì ngôi nhà đó cũng chỉ là xây thô! Mà nếu kiến trúc không đẹp thì người làm nội, ngoại thất sau đó sẽ rất vất vả, bởi lẽ, kiến trúc là khung sườn của nội thất. Nếu kiến trúc không đẹp, người làm nội thất sẽ luôn phải mệt nhoài với những bài toán khó giải .
Ví dụ như: Trần nhà hơi thấp, phải làm thế nào để nó cao lên? Phòng khách hơi hẹp, phải bố trí mặt bằng và đồ vật như thế nào cho rộng và cho đẹp? Cửa sổ để không hợp lý và to quá nên xử lý như thế nào?…Nói chung, thiết kế nội thất và thiết kế kiến trúc là hai mặt của vấn đề. Chúng có mối quan hệ biện chứng khăng khít không thể tách rời.
Ngoài ra, khi xây dựng một căn nhà từ lúc làm móng, xây thô cho đến những giai đoạn trang trí hoàn thiện, chúng ta không thể bỏ qua một khâu quan trọng: Đó là Phong Thủy. Rất nhiều trường hợp do thiếu sự quan tâm đến Phong Thủy mà sau đó đã dẫn đến những mâu thuẫn phát sinh bất lợi. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều gia chủ đã không hiểu được như vậy. Họ thiếu quá nhiều kiến thức để xây dựng một căn nhà.
Và hậu quả của sự thiếu hiểu biết đó là: Căn nhà của họ không thật đẹp, không thật hoàn hảo và có quá nhiều khó khăn cho những người thiết kế thi công nội, ngoại thất, bởi những người làm nội, ngoại thất là những người phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hoàn thiện sau cùng tổng thể căn nhà.
Một căn nhà khang trang, sạch đẹp, đầy chất thẩm mỹ như thế này nếu không có sự kết hợp hài hòa giữa các nhà chuyên môn thì không thể có được.
… bởi một ngôi nhà đẹp một cách toàn diện còn cần tới nội, ngoại thất đẹp.
Để giảm bớt phần nào bất lợi do những nguyên nhân nêu trên gây ra cho các gia chủ mất tiền mà nhà vẫn không đẹp, chúng tôi, những người đã có nhiều năm thực tế xây dựng, hoàn thiện nội, ngoại thất xin có mấy gợi ý nhỏ sau đây:
- Bản thân các gia chủ phải chủ động quan sát, dành thời gian xem xét, đọc các tạp chí, sách, báo về nhà đẹp…để bồi dưỡng thêm kiến thức của mình.
- Nếu có điều kiện, nên thuê hẳn một đội ngũ gồm: Kiến trúc sư thiết kế; Thi công xây dựng; Họa sỹ thiết kế thi công nội, ngoại thất và thầy Phong Thủy. Bộ bốn người phải bắt tay làm việc ngay từ đầu để cho ra được các bản vẽ kiến trúc, rồi các bản vẽ nội thất và cuối cùng là các phối cảnh ở nhiều góc độ khác nhau để tạo ra một cảm giác của một ngôi nhà hoàn thiện, như thực.
- Phải hết sức tin tưởng những người mình đã nhờ mượn. Nếu không tin tưởng đừng nhờ! Đã nhờ phải tin! Tránh tình trạng ban đầu tin tưởng nhưng về sau lại mất niềm tin, rồi có những quan điểm trái ngược với những nhà chuyên môn dẫn đến tình trạng gây khó dễ cho họ. Bạn phải nhớ rằng : Bạn làm nghề khác, quanh năm bận rộn với công việc, ít tiếp xúc với những vấn đề nhà cửa nội, ngoại thất. Và nữa, bạn kinh nghiệm nhiều lắm thì cũng chỉ làm 1; 2 cái nhà. Còn các nhà chuyên môn, họ có kinh nghiệm với nghề nhiều năm. Họ đã làm hàng 100 cái nhà. Kinh nghiệm của họ gấp 100 lần bạn!
Nếu muốn hỏi hoặc đóng góp ý kiến gì thì cũng nên thẳng thắn hỏi ngay. Tránh tình trạng ngại không nói, không hỏi để ấm ức về sau; hoặc quá nóng nảy dẫn đến bầu không khí căng thẳng. Đồng thời cũng yêu cầu nhà chuyên môn phải có trách nhiệm phân tích; giải trình rõ ràng để giải tỏa thắc mắc. Tuy nhiên, các bạn nên giữ một thái độ đúng mực. Phải luôn nhớ rằng: Sau khi đã giao phó trách nhiệm, tin tưởng các nhà chuyên môn; mọi ý kiến của mình cho dù là chủ nhà cũng chỉ là góp ý. Trong những trường hợp như thế, đương nhiên các nhà chuyên môn có quyền không nghe; nhưng họ phải có trách nhiệm giải trình cho sự không nghe đó.
- Bạn nên có một thái độ mềm mỏng, hài hòa với các nhà chuyên môn. Điều đó chắc chắn sẽ rất tốt cho bạn, bởi lẽ, bạn không thuê mượn thì thôi; nhưng đã thuê mượn tin tưởng ai có nghĩa là phó thác cho người đó. Thái độ vui vẻ, hòa nhã của bạn là đóng góp gián tiếp đáng kể cho sự hoàn thiện căn nhà của bạn.
- Bạn cần phải “cầm cân nẩy mực” để giữ hòa khí giữa các nhà chuyên môn. Họ là những người với những nghề nghiệp khác nhau; giờ đây phải tìm một tiếng nói chung, rất dễ xẩy ra mâu thuẫn! Bạn phải có ý thức cân bằng cho họ từ lúc bắt đầu; bởi bản chất của cuộc sống vốn là mâu thuẫn và cũng bởi bạn không muốn căn nhà bạn; đang làm lại dang dở hay phải mất tiền cho những việc ngoài ý muốn.
- Và sau cùng, cho dù bạn vẫn biết phải nên mềm mỏng, hài hòa đối với các nhà chuyên môn; nhưng trong những trường hợp cần thiết bạn vẫn phải cứng rắn, kiên định lập trường. Bởi nếu không như thế, rất có thể căn nhà của bạn; có thể sẽ được thực thi mà không hề có dấu ấn cá nhân của bạn!