Những sự cố thường gặp trong khi thi công bằng cốp pha trượt
Sàn công tác cốt pha trượt mất cân bằng
Nguyên nhân
Các bố khóa kẹp của kích làm việc không bình thường;
Hành trình của các kích không đều nhau;
Tải trọng tác dụng lên các kích không đều nhau;
Một số kích không hoạt động.
Biện pháp khắc phục
Kiểm tra hoạt động của từng kích để sửa chữa hoặc thay thế các kích không hoạt động;
Kiểm tra sự phân bố tải trọng trên sàn công tác nếu phân bố không đều thì cần phân bố lại cho đều ngay. Đặc biệt lưu ý công tác vận chuyển bê tông ngang ở trên sàn công tác, không để tập trung các xe goòng có chứa bê tông ở cùng một chỗ;
Kiểm tra cao độ của từng kích, xác định phần nâng “cao nhất” của sàn công tác, tách các kích đã nâng cao nhất đó, nâng dần sàn lên bằng các kích còn lại. Trong quá trình nâng, tách dần các kích đã đến cao độ “cao nhất”. Khi toàn bộ các kích đã đến cao độ “cao nhất” ngừng toàn bộ để kiểm tra, hiệu chỉnh thiết bị, cốp pha;
Khi sàn công tác trở về vị trí cân bằng, các thiết bị trở lại hoạt động bình thường thì tiếp tục nâng trượt theo chu kỳ đã định trước.
Tường thi công cốp pha trượt bị nghiêng
Nguyên nhân
Do cốp pha bị biến dạng lệch hoặc cốp pha lên không đều, do thanh chống bị cong hoặc do sàn công tác mất cân bằng.
Biện pháp khắc phục
Nếu nguyên nhân do cốp pha thì kiểm tra tìm ra chỗ bị biến dạng hoặc bị lệch, rồi tiến hành chỉnh lại từng tấm cốp pha một cho hết lệch. Trong quá trình hiệu chỉnh, theo dõi hoạt động của cốp pha, khi các tấm cốp pha cần hiệu chỉnh đã trở về vị trí đúng thiết kế thì ngừng hiệu chỉnh để tiến hành kiểm tra toàn bộ cốp pha. Khắc phụ xong tiếp tục nâng trượt theo chu kỳ đã định trước.
Ty kích cốp pha trượt bị uốn cong
Nguyên nhân
Tốc độ trượt quá lớn, bê tông ra khỏi cốp pha quá sớm chưa đạt cường độ để giữ ty kích trên đoạn uốn tự do;
Ty kích chịu quá tải;
Cốp pha bị bê tông bám dính do tốc độ trượt quá chậm;
Do kẹt các chi tiết chôn sẵn của công trình vào cốp pha.
Biện pháp khắc phục
Nếu ty kích bị uốn cong từ 10 mm đến 20 mm thì phải gia cường bằng cách hàn vào đoạn cong một ty kích phụ, tách kích ra khỏi hệ trong 3 chu kì nâng, nếu thấy ty kích không bị uốn cong thì tiếp tục cho kích hoạt động và trở lại nâng trượt bình thường;
Nếu ty kích tiếp tục bị uốn cong sau khi đã xử lý như trên, ta cắt bỏ đoạn bị uốn cong (nếu đoạn uốn cong còn ở trên mặt bê tông) hoặc đục bê tông để cắt và rút ty kích ra (nếu đoạn uốn cong ở trong bê tông) sau đó đưa ra đoạn ty kích khác vào hàn nối với đoạn cũ tại chỗ cắt. Bịt lại lỗ bê tông đã đục bằng vữa xi măng hoặc bê tông có cùng cường độ với bê tông kết cấu công trình.
Kích cốp pha trượt không xả dầu
Nguyên nhân
Kích không xả dầu làm cho kích không trở lại vị trí ban đầu được thì nguyên nhân chủ yếu là do lò xo đẩy không đàn hồi, hoặc các cơ cấu kẹp bị biến dạng, không làm việc.
Biện pháp khắc phục
Tạm ngừng thi công, thay kích mới.
Quá tải động cơ, dầu thủy lực của cốp pha trượt bị nóng
Nguyên nhân
Độ nhớt dầu không đạt yêu cầu kỹ thuật, các van làm việc không bình thường.
Biện pháp khắc phục
Kiểm tra và hiệu chỉnh độ nhớt của dầu. Hiệu chỉnh các van, bảo đảm van cao áp và van hạ áp chỉ chênh nhau 10 at.
Bê tông sau khi ra khỏi cốp pha trượt bị rỗ, xốp
Nguyên nhân
Do đầm không phù hợp hoặc đổ quá nhiều bê tông vào khuôn cốp pha;
Biện pháp khắc phục
Đục hết bê tông bị rỗ, xốp sửa chữa lại bằng vữa xi măng hoặc bê tông có mác tương đương. Để ngăn ngừa, nên có biện pháp đổ bê tông chính xác, chừa khuôn không từ 5 mm đến 10 mm và đầm bê tông một cách thích hợp.
Bê tông không thể tách khỏi cốp pha, bị chảy ra ngoài ở phần phía dưới cốp pha
Nguyên nhân
Là do nhiệt độ môi trường thấp, độ sụt lớn do lượng nước quá nhiều hoặc đầm không phù hợp hoặc tốc độ trượt quá lớn.
Biện pháp khắc phục
Giảm tốc độ trượt, điều chỉnh lại cấp phối và độ sụt của bê tông, đầm bê tông một cách thích hợp.
Bê tông sau khi ra khỏi cốp pha xuất hiện các vết nứt ngang
Nguyên nhân
Là do cốp pha thiếu độ côn, hoặc độ côn của cốp pha quá về một phía (không cân bằng); hoặc tốc độ trượt quá chậm làm cho bê tông dính vào cốp pha kéo theo lên gây nứt.
Biện pháp khắc phục
Căn chỉnh lại độ côn của cốp pha cho cân bằng và đúng; điều chỉnh tốc độ trượt cho hợp lý.
Cốt thép hở ra ngoài bê tông
Nguyên nhân
Là do không có biện pháp đảm bảo chiều dày bê tông bảo vệ cho cốt thép; và giữ cho khoảng cách giữa các cốt thép trong lúc trượt.
Biện pháp khắc phục
Trát thêm ra ngoài cốt thép một lớp vữa xi măng; có độ dày bằng chiều dày lớp bê tông bảo vệ. Chỉnh lại vị trí đặt cốt thép, có biện pháp hữu hiệu để đảm bảo chiều dày lớp bê tông bảo vệ; và giữ được khoảng cách cốt thép cố định trong lúc trượt.
Ống luồn cáp không dính bê tông, bị bẹp méo, bị thủng
Nguyên nhân
Do đầm không phù hợp, tì đầm vào ống, định vị ống vào thanh đỡ không chắc chắn; cốt thép chọc vào ống hoặc bảo quản ống không tốt.
Biện pháp khắc phục
Nếu ống bị bẹp méo hoặc bị thủng thì cắt bỏ đoạn bị hỏng nối lại bằng ống có chất lượng tốt;
Nếu ống không bám dính vào bê tông thì đục rộng vùng bê tông không dính với ống; sau đó dùng bê tông hoặc vữa xi măng có cùng cường độ với mác bê tông thiết kế ; phun ép lấp đầy lỗ đục;
Lưu ý đầm bê tông một cách thích hợp.