Nhà ở phải được xây dựng trên thửa đất ở có đủ điều kiện về diện tích để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 46 Luật Nhà ở 2014). Việc xây dựng nhà cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bao gồm quy định về diện tích xây dựng nhà ở, nhằm đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững.
Bài viết này sẽ trình bày về các quy định liên quan đến diện tích xây dựng nhà ở, nhằm giúp người đọc hiểu rõ và tuân thủ đúng pháp luật trong quá trình xây dựng.
Diện tích xây dựng nhà ở được tính như thế nào?
Dtxd là diện tích được phép xây dựng tính từ mép ngoài tường bên này đến mép tường ngoài bên kia của khu đất. Dtxd sẽ được ghi rõ trong giấy phép xây dựng và được duyệt trong quy hoạch.
Diện tích sàn xây dựng nhà ở là tổng diện tích sàn của tất cả các tầng trong nhà, bao gồm cả tầng hầm, tầng lửng, gác lửng, mái tum,… Dtxd nhà ở được tính bằng cách cộng diện tích sàn của tất cả các tầng trong nhà, bao gồm cả diện tích các phần nhô ra ngoài như ban công, mái hiên, gác lửng, phần mái,… nhưng không bao gồm diện tích sân vườn.
Diện tích xây dựng của công trình được tính theo đơn vị m2 và phải tuân thủ theo các quy định về mật độ xây dựng được quy hoạch trong giấy phép xây dựng, được duyệt trong quy hoạch của các khu đô thị.
Diện tích đất tối thiểu được cấp phép xây dựng nhà ở
Diện tích tối thiểu xây dựng nhà ở được hiểu là phần diện tích của công trình bao gồm cả tường bao (được tính từ mép tường bên ngoài của hai phía đối diện nhau) và phần diện tích này phải đảm bảo yêu cầu về kích thước tối thiểu theo pháp luật quy định.
Diện tích tối thiểu được cấp phép xây dựng nhà ở sẽ khác nhau tùy theo khu vực, mật độ dân cư. Dựa trên phân loại khu vực đô thị, chỉ tiêu đất đơn vị ở và quy định về kích thước lô đất để quy định về diện tích tối thiểu xây nhà ở.
Mục 2.8.9 chương 2 Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD quy định về kích thước lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở. Theo đó, để xây dựng nhà ở trên mảnh đất phải đáp ứng những điều kiện sau:
Lô đất trong các khu ở quy hoạch xây dựng mới, giáp đường lộ giới từ 20m trở lên phải đảm bảo:
- Diện tích lô đất xây dựng nhà ở tối thiểu từ 45m2 trở lên.
- Bề rộng lô đất tối thiểu ≥ 5m.
- Chiều sâu lô đất tối thiểu ≥ 5m.
Lô đất trong các khu ở quy hoạch xây dựng mới, tiếp giáp với đường phố có lộ giới nhỏ hơn 20m phải đảm bảo:
- Diện tích của lô đất xây dựng nhà ở gia đình tối thiểu ≥ 36m2
- Bề rộng của lô đất xây dựng nhà ở ≥ 4m
- Chiều sâu của lô đất xây dựng nhà ở ≥ 4m
Dãy nhà liền kề hoặc riêng lẻ có hai mặt tiếp giáp với các tuyến đường chính:
- Chiều dài tối đa là 60m.
- Giữa các dãy nhà phải bố trí đường giao thông phù hợp với các quy định về quy hoạch mạng lưới giao thông.
- Bề rộng đường đi bộ tối thiểu 4m.
Lô đất nằm trong ngõ hẻm có diện tích nhỏ hơn 15m2:
- Chiều rộng mặt tiền dưới 3m: Chỉ cải tạo, sửa sang hiện trạng, không xây dựng mới.
- Chiều rộng mặt tiền lớn hơn 3m: Được cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới với quy mô một tầng có chiều cao không quá 8,8m.
Lô đất có diện tích từ 15m2 – 36m2:
- Chiều sâu, chiều rộng dưới 2m: Nếu đã tồn tại thì được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng.
- Chiều rộng 2m – 3m: Được sửa chữa, xây dựng tối đa 2 tầng, chiều cao không quá 12,2m.
- Chiều rộng lớn hơn 3m: Được phép cải tạo, xây dựng tối đa 3 tầng, chiều cao không quá 15,6m.
Ngoài ra, diện tích cấp phép xây dựng nhà ở còn phụ thuộc vào loại đất mà bạn định xây dựng. Theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và các quy định liên quan đến sử dụng đất đai, diện tích tối thiểu cho từng loại đất gồm có:
- Đất ở: Diện tích xây dựng nhà ở trên đất ở phải tuân theo quy định cụ thể của địa phương, thường là 70% đến 80% diện tích đất.
- Đất sản xuất nông nghiệp: Diện tích xây dựng nhà ở trên đất sản xuất nông nghiệp được quy định trong các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.
- Đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất: Điều này có thể phụ thuộc vào quy định của từng khu vực cụ thể và đòi hỏi sự phê duyệt của cơ quan quản lý địa phương.
Tóm lại:
- Lô đất có lộ giới <20m, diện tích xây nhà tối thiểu là 36m2
- Lô đất có lộ giới ≥20m, diện tích xây nhà tối thiểu là 45m2
- Lô đất có diện tích 15 – 36m2, mặt tiền rộng từ 2 – 3m được cấp phép xây nhà mới. Tuy nhiên, không quá 2 tầng và không cao quá 12,2m
- Lô đất có diện tích 15 – 36m2, mặt tiền rộng 3m trở lên được cấp phép xây nhà mới. Tuy nhiên, không vượt quá 3 tầng, không cao quá 15,6m
- Lô đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, mặt tiền rộng từ 3m trở lên được cấp phép xây nhà mới. Tuy nhiên, không vượt quá 1 tầng và không cao quá 8,8m.
Dựa trên những quy định này, người dân có thể đo đạc và xem xét diện tích lô đất của mình có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, trước khi tiến hành xây dựng nhà ở.
Diện tích đất tối đa được cấp phép xây dựng nhà ở là bao nhiêu?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về diện tích tối đa được phép xây dựng nhà ở là gì. Tuy nhiên, có thể hiểu nếu bạn muốn xây dựng nhà ở trên đất thì có được sử dụng hết diện tích để xây không, hay chỉ được xây trên một phần diện tích của thửa đất và diện tích đó là bao nhiêu.
Để xác định được diện tích tối đa diện tích đất xây dựng nhà ở cần dựa trên mật độ xây dựng. Mật độ xây dựng được hiểu là tỷ lệ giữa diện tích xây dựng của công trình so với diện tích đất. Việc quy định mật độ xây dựng cho nhà ở là cách để kiểm soát số lượng và diện tích các công trình xây dựng trên một khu vực nhất định. Đồng thời cũng giúp duy trì sự cân bằng giữa các công trình và không gian xanh trong khu vực đô thị, tạo nên môi trường sống thoáng đãng và an toàn cho người dân.
Theo quy định tại TCVN 13967:2024, mật độ xây dựng thuần tối đa của lô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập)
Diện tích lô đất (m2/căn nhà) | ≤90 | 100 | 200 | 300 | 500 | ≥1000 |
Mật độ xây dựng tối đa (%) | 100 | 90 | 70 | 60 | 50 | 40 |
Lưu ý: Công trình nhà ở riêng lẻ còn phải đảm bảo hệ số sử dụng đất không vượt quá 7 lần. |
Có thể thấy, diện tích đất càng lớn thì mật độ xây dựng càng thấp. Chẳng hạn, một lô đất 100m2 chủ nhà được phép xây dựng công trình nhà ở có diện tích tối đa là 100 x 90%= 90m2.
Quy định về diện tích xây dựng nhà ở là bao nhiêu?
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2008/BXD, diện tích xây dựng nhà ở được quy định cụ thể dựa trên các yếu tố như vị trí đất xây dựng, loại nhà ở và diện tích lô đất xây dựng. Dưới đây là một số quy định cơ bản về diện tích xây dựng nhà ở:
Quy định về diện tích xây dựng nhà ở tại nông thôn
Diện tích tối thiểu xây dựng nhà ở tại nông thôn được quy định như sau:
- Ở đồng bằng: Diện tích tối thiểu từ 14m2/người hoặc lớn hơn.
- Ở trung du, miền núi: Diện tích tối thiểu từ 10m2/người hoặc lớn hơn.
- Diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng nhà ở tại nông thôn là 25m2.
- Diện tích tối thiểu của một căn nhà ở tại nông thôn là 24m2.
- Diện tích tối thiểu của một căn phòng ở tại nông thôn là 12m2.
Như vậy, để xây dựng một căn nhà ở nông thôn, bạn cần có lô đất có diện tích tối thiểu là 25m2 và căn nhà ở sẽ có diện tích tối thiểu là 24m2, trong đó ít nhất một căn phòng có diện tích tối thiểu là 12m2.
Quy định về diện tích xây dựng nhà ở tại đô thị
Diện tích tối thiểu tại khu vực nhà ở tại thành thị sẽ có những điểm khác biệt so với nông thôn, do phải đáp ứng những yêu cầu về kiến trúc, cảnh quan đô thị. Cụ thể như sau:
- Diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng nhà ở tại đô thị là 40m2.
- Diện tích tối thiểu của một căn nhà ở tại đô thị là 36m2.
- Diện tích tối thiểu của một căn phòng ở tại đô thị là 18m2.
Tức là, một căn nhà ở đô thị phải có diện tích ít nhất là 36m2 và được xây trên lô đất tối thiểu 40m2. Trong đó bao gồm ít nhất một căn phòng có diện tích ít nhất là 18m2.
Quy định về diện tích xây dựng nhà ở đối với nhà ở riêng lẻ
Diện tích thửa đất xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:
Đối với khu vực phát triển mới: Diện tích không nhỏ hơn 50m2 với bề rộng mặt tiền nhà:
- Không nhỏ hơn 5m khi tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ ≥ 19 m;
- Không nhỏ hơn m khi tiếp giáp với đường phố có bề rộng chỉ giới đường đỏ < 19 m.
Đối với khu vực hiện hữu: Diện tích tùy thuộc điều kiện thực tế nhưng không nên nhỏ hơn 30m2 với bề rộng mặt tiền nhà không nên nhỏ hơn 3,0m và cần tuân thủ quy định tại quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị khi cải tạo.
Một số quy định khác liên quan đến xây dựng nhà ở
Quy định về vị trí xây dựng nhà ở
Bên cạnh diện tích xây dựng nhà ở, địa điểm xây dựng nhà ở cần phải đáp ứng các tiêu chí sau:
- Đất không nằm trong khu vực bị cấm xây dựng, bao gồm các khu di tích văn hóa – lịch sử, thắng cảnh, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, cháy nổ, ô nhiễm,…
- Nhà ở phải được xây dựng trên đất có vị trí phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Cần tuân thủ các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…
- Khoảng cách từ các công trình xây dựng tới các biên giới của lô đất phải đảm bảo an toàn cho việc di chuyển và phòng cháy chữa cháy. Đường đi vào nhà phải thông với ngõ, phố, đảm bảo điều kiện cứu thương, cứu hỏa.
- Lô đất cần được phân khu rõ ràng, đảm bảo phù hợp với diện tích và khoảng cách giữa các khu vực.
Quy định về khoảng cách xây dựng nhà ở
Quy định về khoảng cách xây dựng nhà ở nhằm đảm bảo an toàn, tầm nhìn, ánh sáng, thông gió và phù hợp với quy hoạch xây dựng. Do đó, cần tuân thủ các quy định này khi xây dựng nhà ở để đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
Theo quy định tại Điều 7, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy, nổ cho nhà và công trình (QCVN 06:2020/BXD), khoảng cách giữa các công trình xây dựng nhà ở trong cùng lô đất được xác định theo chiều cao công trình và được sắp xếp như sau:
- Khoảng cách giữa cạnh dài của các công trình: ≥ 1/2 chiều cao công trình và ≥ 7 m
- Khoảng cách giữa đầu hồi của công trình với đầu hồi hoặc cạnh dài của công trình khác: ≥ 1/3 chiều cao công trình và ≥ 4 m
- Công trình cao từ 46m trở lên: Cạnh dài: ≥ 25m và đầu hồi ≥ 15m
- Khoảng cách giữa hai công trình có chiều cao khác nhau lấy theo quy định của công trình có chiều cao lớn hơn.
- Đối với công trình có chiều dài cạnh dài và chiều dài đầu hồi tương đương nhau thì mặt công trình tiếp giáp với đường giao thông lớn nhất được tính là cạnh dài của dãy nhà.
Ngoài các quy định trên, khoảng cách xây dựng nhà ở cần đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong trường hợp xảy ra cháy, nổ và phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.
Ví dụ: Công trình nhà ở có chiều cao 12m thì khoảng cách giữa cạnh dài của công trình này với công trình liền kề phải đảm bảo ≥ 7m. Khoảng cách giữa đầu hồi của công trình này với đầu hồi của công trình liền kề phải đảm bảo ≥ 4m.
Quy định xây nhà dưới 36m2
Lô đất đủ chuẩn xây dựng phải có diện tích không nhỏ hơn 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng không nhỏ hơn 3m. Các trường hợp không đủ chuẩn được xem xét tùy theo vị trí mặt tiền đường hay trong hẻm.
Vị trí mặt tiền đường:
- Lô đất dưới 15m2 hoặc có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 3m: Chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng.
- Lô đất có diện tích từ 15m2 đến dưới 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên: Được phép cải tạo, sửa chữa theo quy mô, số tầng hiện hữu hoặc xây dựng tối đa 2 tầng (1 trệt 1 lầu) và có thể bố trí tầng lửng tại tầng trệt và mái che cầu thang tại sân thượng, chiều cao không quá 13,4m.
Vị trí trong hẻm:
Đối với lô đất dưới 15m2
- Có chiều rộng mặt tiền (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) dưới 3 m: chỉ được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng, không được xây dựng.
- Có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên: được cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng với quy mô 1 tầng (có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng), chiều cao không quá 8,8m.
Đối với lô đất từ 15m2 đến dưới 36m2
- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) nhỏ hơn 2 m: được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng.
- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 2m đến dưới 3 m: được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng tối đa 2 tầng (1 trệt, 1 lầu), có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng, chiều cao không quá 12,2m.
- Có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 3m trở lên, hoặc có chiều rộng (hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng) từ 2m đến dưới 3m nhưng có điều kiện hợp khối kiến trúc bên ngoài: Được phép cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng hoặc xây dựng tối đa 3 tầng (1 trệt, 2 lầu), có thể bố trí tầng lửng tại trệt và mái che cầu thang tại sân thượng, chiều cao không quá 15,6m.
Giải đáp các câu hỏi thường gặp về quy định về diện tích xây dựng nhà ở
Tại sao cần tuân thủ các quy định về diện tích xây dựng nhà ở
- Đảm bảo an toàn: Diện tích xây dựng tối thiểu được quy định để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tránh tình trạng nhà quá tải, sập đổ. Các quy định về khoảng cách giữa các nhà, mật độ xây dựng… cũng giúp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, thông gió, chiếu sáng…
- Đảm bảo mỹ quan đô thị: Việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch sẽ góp phần tạo ra một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại, tránh tình trạng xây dựng nhà lộn xộn, không đồng nhất, ảnh hưởng đến mỹ quan chung.
- Bảo vệ môi trường: Diện tích xây dựng tối đa được quy định để hạn chế tác động đến môi trường, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường do mật độ xây dựng quá cao. Các quy định về cây xanh, hệ thống thoát nước,… cũng góp phần bảo vệ môi trường sống.
- Phát triển đô thị bền vững: Việc tuân thủ các quy định về diện tích xây dựng nhà ở góp phần phát triển đô thị bền vững, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của con người và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.
- Tránh vi phạm pháp luật: Việc xây dựng nhà không đúng quy định về diện tích có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật, thậm chí buộc phải tháo dỡ. Ngoài ra, việc tuân thủ các quy định về diện tích xây dựng nhà ở còn thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng.
Nhà dưới 30m2 có được cấp phép xây dựng?
Việc nhà dưới 30m2 có được cấp phép xây dựng hay không phụ thuộc vào khu vực và vị trí xây dựng nhà ở. Nếu vị trí thửa đất nằm tại nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị thì bạn không cần xin cấp giấy phép, chỉ cần báo với UBND xã/phường là được thi công xây dựng. Tuy nhiên nếu ở khu vực đô thị thì bạn cần tiến hành thủ tục xin cấp phép xây dựng, và chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét.
Để biết chính xác nhà dưới 30m2 có được cấp phép xây dựng hay không, bạn nên liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để được tư vấn cụ thể.
Đất 20m2 có được xây nhà không?
Câu trả lời là “Có”. Theo quy định, lô đất 20m2 có chiều rộng từ 2 – 3m sẽ được xây dựng tối đa 2 tầng, chiều cao không quá 12,2m. Trường hợp lô đất 20m2 có chiều rộng lớn hơn 3m thì được phép xây dựng tối đa 3 tầng, chiều cao không quá 15,6m.
Có được xây nhà hết đất không?
Trong một số trường hợp, bạn có thể xây nhà hết đất:
- Khu vực không có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch điểm dân cư ở nông thôn hoặc đô thị. Tại đây, mật độ xây dựng tối đa cho phép có thể là 100%.
- Một số trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhà hết đất nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật.
Quy định về diện tích tối thiểu của các phòng/khu vực chức năng trong nhà là bao nhiêu?
Các phòng/không gian chức năng cơ bản trong nhà ở riêng lẻ gồm:
- Phòng ở: phòng ngủ, phòng sinh hoạt chung, phòng tiếp khách, phòng làm việc/học tập, …
- Phòng/không gian khác: phòng bếp, ăn, phòng vệ sinh, chỗ để xe, phòng giặt là, kho,…;
- Không gian giao thông: sảnh, hành lang, cầu thang bộ, thang máy (nếu có)…
Diện tích sử dụng tối thiểu một số phòng/không gian chức năng cơ bản quy định như sau:
Loại phòng/không gian | Diện tích sử dụng tối thiểu m2 |
Phòng ngủ giường đơn | 9 |
Phòng ngủ giường đôi | 12 |
Phòng/không gian sinh hoạt chung | 13 |
Phòng/không gian tiếp khách | 13 |
Bếp, ăn | 12 |
Phòng vệ sinh | 3 |
Không gian chứa đồ (nếu có) | 3 |
Kinh nghiệm lựa chọn diện tích xây dựng nhà ở
Lựa chọn diện tích xây dựng nhà ở là một quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cả công năng sử dụng và chi phí thi công. Dưới đây là một số kinh nghiệm để bạn lựa chọn diện tích phù hợp:
Tìm hiểu kỹ các quy định về diện tích xây dựng nhà ở
Mỗi địa phương sẽ có những quy định riêng về diện tích tối thiểu và tối đa của lô đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất,… Bạn cần tìm hiểu kỹ các quy định này tại cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng địa phương để đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Để biết chính xác quy định về diện tích xây dựng nhà ở tại khu vực cụ thể, bạn nên liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng địa phương.
Xác định nhu cầu sử dụng của gia đình
Diện tích nhà ở cần phù hợp với số lượng thành viên, lối sống và nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Ví dụ, một gia đình có nhiều thành viên sẽ cần nhiều phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng sinh hoạt chung… hơn so với một gia đình ít thành viên. Bạn nên lập danh sách các phòng chức năng cần thiết và dự trù diện tích cho từng phòng để có thể lựa chọn diện tích xây dựng phù hợp.
Ví dụ, nếu bạn có một lô đất rộng 100m2, bạn có thể xây dựng một ngôi nhà rộng 80m2 và vẫn còn diện tích cho sân vườn, gara,…
Lựa chọn diện tích phù hợp với khả năng tài chính
Diện tích xây dựng nhà ở càng lớn, kinh phí xây dựng càng cao. Vì vậy, bạn cần cân nhắc khả năng tài chính của gia đình khi lựa chọn diện tích xây dựng nhà ở, tránh tình trạng vay mượn quá nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Bạn nên lập dự toán chi phí xây dựng nhà ở trước khi bắt đầu thi công để tránh tình trạng thiếu kinh phí.
Ngoài ra, một số người quan niệm rằng diện tích xây dựng nhà ở nên phù hợp với phong thủy để mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Diện tích xây dựng nhà ở cũng cần phù hợp với môi trường xung quanh, ví dụ như mật độ dân cư, tiện ích khu vực,…
Tham khảo ý kiến kiến trúc sư
Kiến trúc sư sẽ có chuyên môn và kinh nghiệm để tư vấn cho bạn về dtxd phù hợp với nhu cầu, sở thích và ngân sách của bạn. Họ cũng sẽ giúp bạn thiết kế bản vẽ nhà ở tối ưu hóa công năng sử dụng và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công uy tín
Để đảm bảo diện tích xây dựng nhà ở đúng với quy định, bạn nên lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công uy tín, chuyên nghiệp. Đơn vị này sẽ giúp bạn tính toán chính xác diện tích xây dựng nhà ở và đảm bảo chất lượng công trình.
Quy định về dtxd nhà ở là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, mỹ quan, bảo vệ môi trường và phát triển đô thị. Mỗi cá nhân và tổ chức cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định này. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn về các quy định liên quan đến dtxd nhà ở.