Sân thượng, sàn mái là là một trong những bộ phận quan trọng nhất của ngôi nhà; là nơi che chắn mưa nắng cũng như tăng thêm không gian sử dụng cho gia chủ (sân phơi, trồng cây,…) đặc biệt là với những ngôi nhà phố có diện tích nhỏ. Vì là bộ phận chịu tác động trực tiếp và thường xuyên của môi trường (mặt trời, mưa, nắng…) nên sân thượng cũng là nơi có nguy cơ bị ứ đọng nước, bị nứt gây thấm dột xuống tầng dưới cao nhất.
Vậy quy trình chống thấm chuẩn cho sân thượng như thế nào? Cách nào đang được áp dụng phổ biến và rộng rãi nhất? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Dấu hiệu nhận biết sân thượng bị thấm
Hiện nay có đến 90% các công trình có thi công sân thượng đều xảy ra tình trạng thấm dột từ nhẹ đến nặng. Việc nhận biết sân thượng bị thấm không khó, hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường qua các dấu hiệu như:
- Dễ nhận thấy nhất chính là bề mặt trần nhà phía dưới sân thượng có hiện tượng bị nước thấm làm loang lổ, hay bong tróc lớp sơn
- Xuất hiện các vết nứt trên bề mặt sân thượng, các vết nứt chân chim hoặc các vết nứt dọc, chạy dài
- Sàn sân thượng nghiêng lún làm gạch bị bung hoặc bị vỡ, mặt sàn có rong rêu màu nâu đen hoặc có các vết ố vàng, mốc đen, ẩm thấp có mùi khó chịu
- Khi trời mưa thì bề mặt bê tông của sân thượng có hiện tượng sủi bong bóng nhỏ.
Các gia chủ nên nhận biết sớm tình trạng sân thượng bị thấm để áp dụng quy trình chống thấm kịp thời, kẻo để càng lâu thì công trình càng nhanh xuống cấp, và việc sửa chữa cũng gây nhiều khó khăn hơn.
Nguyên nhân gây thấm sân thượng
Thứ nhất là do quy trình thi công chống thấm sai kỹ thuật, không được giám sát nghiêm chỉnh ngay từ đầu
Quy trình thi công không đúng kỹ thuật là nguyên nhân khiến sân thượng xuống cấp nhanh chóng nhất. Xuất phát từ khi đang thi công, có thể nguồn chất lượng vật tư không đảm bảo hoặc bị các nhà thầu kém uy tín cắt xén, khiến kết cấu không được bền vững như thiết kế và xảy ra các lỗi trong quá trình sử dụng.
Một lý do khác cũng đến từ quy trình thi công đó là do thợ thiếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm hoặc làm qua loa cẩu thả mà bỏ qua bước chống thấm cho sân thượng. Đây là khâu rất quan trọng nhưng nhiều gia chủ lại không để tâm nhiều. Rất nhiều sàn mái, sân thượng bị thấm dột chỉ sau thời gian ngắn là do không được áp dụng quy trình chống thấm chuẩn ngay từ đầu.
Thứ hai là do các tác động đến từ thiên nhiên
Nước ta có điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nắng thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa các mùa khá lớn nên gây ra sự co ngót bê tông mạnh, đặc biệt ở những vị trí tiếp xúc hàng ngày với mặt trời như sàn mái hay sân thượng.
Thêm vào đó, lượng mưa trung bình mỗi năm ở nước ta cũng tương đối lớn. Ngoài nước mưa, trên sân thượng còn tiếp xúc với nhiều nguồn nước khác như nước từ hệ thống ống dẫn, nước tưới cây…Nếu hệ thống thoát nước không được xử lý chuẩn thì nước sẽ bị ứ đong, ban đầu có thể chưa gây ra tình huống gì nghiêm trọng tuy nhiên về lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng bong tróc, tạo điều kiện cho nguồn nước dễ dàng thẩm thấu qua bê tông hay xi măng.
Việc thấm nước từ trên sân thượng xuống sàn nhà diễn ra theo dòng chảy tự nhiên (từ trên xuống dưới) nên càng dễ xảy ra hơn.
Nguyên nhân thứ ba khiến sân thượng bị thấm có thể là do công trình đã đến tuổi xuống cấp. Nếu công trình nhà bạn đã có tuổi thọ 30-50 năm thì việc sàn mái xuất hiện những bong tróc các vết nứt gây thấm dột là điều khó tránh khỏi.
Quy trình chống thấm sân thượng
Sân thượng bị thấm có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một khi sân thượng đã bị thấm thì đều có thể áp dụng quy trình chống thấm chung như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt chống thấm
Chuẩn bị bề mặt kỹ lưỡng là một công tác quan trọng để có thể đạt được chất lượng chống thấm tối ưu nhất.
- Đục sạch các lớp hồ vữa, xi măng, gạch lát..để trơ ra bề mặt bê tông. Có thể sử dụng các dụng cụ thủ công như búa băm, búa đục, mũi đục nhọn hoặc máy đục để thi công nhanh hơn.
- Sau đó tiến hành mài toàn bộ bề mặt cần chống thấm bằng máy mài có lắp chổi cước sắt để loại bỏ các phần gồ ghề, tạo nhám cho bề mặt bê tông
- Dọn vệ sinh sạch sẽ, tiến hành rửa sân thượng sàn mái để thổi sạch bụi bẩn và có thể dễ dàng quan sát các vết nứt trên bề mặt sàn.
- Kiểm tra và đục mở miệng có đường nứt có rãnh rộng 1 – 2cm, sâu 2cm, các hốc rỗng, túi đá, lỗ rỗ..đục rộng và sâu cho đến phần bê tông đặc chắc
- Quanh miệng các lỗ ống thoát nước xuyên sàn bê tông đục rãnh rộng 2-3cm, sâu 3cm để có thể tiếp nhận được nhiều chất chống thấm, lắp đặt sản phẩm dừng nước thanh trương nở và gia cố bằng vữa đổ bù không co ngót.
Bước 2: Thi công chống thấm sân thượng, sàn mái
Trước hết cần xử lý gia cố chống thấm cho các lỗ rỗng, hốc bọng, đường nứt, hốc râu thép…ở trên mặt sàn bằng Sika Latex hoặc Sika Latex TH và vữa chống thấm không co ngót.
Tiếp đó quấn thanh cao su trương nở tại các khe co giãn, cổ ống xuyên sàn và thêm vữa đổ bù không co ngót.
Sau đó thì có thể lựa chọn phương án chống thấm cụ thể bằng màng khò nóng, các sản phẩm chống thấm dạng quét hoặc phun. Mỗi một phương án sẽ có quy trình chống thấm riêng.
Quy trình chống thấm sân thượng bằng màng khò nóng hoặc màng dán lạnh
Bước 1: Quét lớp tạo dính Primer
Lớp lót Primer nên được thi công bằng lu sơn trên mặt bằng rộng, chú ý dàn mỏng và đều, phủ toàn bộ lớp lót lên trên bề mặt thi công. Đợi lớp lót khô (sờ bằng tay và cảm thấy không dính tay) thì có thể tiến hành dán màng chống thấm.
Bước 2: Dán màng chống thấm
- Đặt các cuộn dán vào vị trí cần chống thấm, kiểm tra toàn bộ lớp màng trước khi dán để đảm bảo bề mặt dán hay khò phải được úp xuống dưới.
- Chuẩn bị dụng cụ đèn khò thổi lên tấm trải
- Cuốn bề mặt rồi từ từ trải ra và bắt đầu làm nóng cho bề mặt bằng đèn khò dùng gas. Dụng cụ khò sẽ làm cho bề mặt tan chảy và làm lớp màng nhầy dính vào bề mặt đã được tạo dính tốt.
- Chú ý lướt ngọn lửa qua lại và đều đặn vào bề mặt khò dính bên dưới màng.Thi công màng khò nóng đòi hỏi chuyên môn cao, thao tác nhanh thì mới có thể phân bố nguồn nhiệt đồng đều và mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
- Tác dụng lực cơ học (sử dụng con lăn hay ấn mạnh lực chân) ép phần màng ở khu vực đã khò để tạo bề mặt phẳng khi hoàn thiện và tránh được hiện tượng nhốt bọt khí.
Đối với màng dán lạnh thì chỉ cần trải phảng màng chống thấm, bóc lớp nilon trên bề mặt màng rồi trải lên bề mặt cần thi công. Cần chú ý biên độ chồng mép giữa các điểm tiếp giáp khoảng 70-100mm để đảm bảo mọi vị trí đều được phủ kín màng chống thấm.
Quy trình chống thấm sân thượng bằng các sản phẩm dạng quét
Bước 1: Bão hòa nước, bo góc chân tường
- Đối với các sản phẩm dạng quét, trước khi thi công cần phải bão hòa nước. Vì bê tông rất háo nước, nếu không được bão hòa trước có thể dẫn tới tình trạng vật liệu chống thấm không thể ngấm sâu vào thân bê tông
- Sử dụng xi măng cát vàng cùng Sika Latex hoặc Latex TH để bo góc chân tường.
- Chuẩn bị hóa chất chống thấm chuyên dụng, trộn đều bằng máy sau đó thi công trước một lớp ở các vị trí chân tường và các vết nứt dài chó chiều rộng lớn hơn 0,3mm và tiến hành dán lưới thủy tinh với bê rộng lưới từ 10 – 15cm lên chúng.
Bước 2: Tiến hành thi công quét phủ màng chống thấm toàn sân thượng
- Tùy thuộc vào loại sản phẩm mà có thể thi công 2-3 lớp để đảm bảo đủ điều kiện chống thấm.
- Chỉ thi công lớp sau khi lớp trước đã khô mặt (sau khoảng 2-24 giờ)
- Độ dày trung bình của mỗi lớp là khoảng 1mm, tùy thuộc vào mức độ cần chống thấm và quy định của từng loại sản phẩm cần dùng để có liều lượng phù hợp cho mỗi lớp.
- Rắc cát khô tạo bám dính, sau đó ngâm thử sân thượng ngập nước trong vòng 3 ngày nếu không có vấn đề gì thì có thể cán vữa lên trên bề mặt lớp chống thấm.
Lợi ích khi áp dụng quy trình chống thấm sân thượng chuẩn kỹ thuật
Rất nhiều gia chủ hiện nay luôn tìm kiếm các quy trình chống thấm sân thượng chuẩn, bởi nó mang lại rất nhiều hiệu quả như:
- Đảm bảo tính thẩm mỹ: Rõ ràng khi sân thượng bị thấm thì không chỉ bề mặt sân thượng bị ẩm mốc rong rêu, mà nghiêm trọng hơn là ngấm xuống tầng dưới gây loang lổ, ố vàng, phá vỡ cấu trúc lớp sơn hoặc lớp trần thạch cao, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Giải quyết triệt để vấn đề thấm nước thì sẽ giải quyết được tình trạng này.
- Kéo dài tuổi thọ cho sân thượng và toàn bộ công trình: Việc thấm nước không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn phá hỏng kết cấu sân thượng, khiến công trình xuống cấp nhanh chóng. Quy trình chống thấm chuẩn sẽ đảm bảo độ bền vững của công trình lâu dài hơn.
- Tiết kiệm chi phí: Không giống như những hạng mục khác, đối với nhà ở, khi đã đi vào quá trình sử dụng mà có lỗi thi quá trình sửa chữa rất tốn kém và khó khăn, gây phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia chủ. Bởi vậy việc chấp nhận bỏ ra chi phí để thực hiện quy trình chống thấm tiêu chuẩn ngay từ đầu luôn được coi là có lợi hơn.
Trên đây Blog Xây Dựng đã hướng dẫn bạn đọc quy trình chống thấm sân thượng từ những bước cơ bản nhất. Nếu đang chật vật với vấn đề thấm nước sàn mái, sân thượng này thì hãy áp dụng ngay nhé.