Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của nhà và công trình có công năng khác nhau, làm việc dưới tác động có hệ thống của nhiệt độ trong phạm vi không cao hơn +50°C và không thấp hơn –70°C.
TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG VIỆT NAM
TCXDVN 356 : 2005
KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP – TIÊU CHUẨN THIẾT KẾ
CONCRETE AND REINFORCED CONCRETE STRUCTURES – DESIGN STANDARD
1 Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn kết cấu bê tông
1.1 Tiêu chuẩn này thay thế cho tiêu chuẩn TCVN 5574 : 1991.
1.2 Tiêu chuẩn này dùng để thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép của nhà và công trình có công năng khác nhau, làm việc dưới tác động có hệ thống của nhiệt độ trong phạm vi không cao hơn +50°C và không thấp hơn –70°C.
1.3 Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về thiết kế các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép làm từ bê tông nặng, bê tông nhẹ, bê tông hạt nhỏ, bê tông tổ ong, bê tông rỗng cũng như bê tông tự ứng suất.
1.4 Những yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn này không áp dụng cho các kết cấu bê tông và bê tông cốt thép các công trình thủy công, cầu, đường hầm giao thông, đường ống ngầm, mặt đường ô tô và đường sân bay; kết cấu xi măng lưới thép, cũng như không áp dụng cho các kết cấu làm từ bê tông có khối lượng riêng trung bình nhỏ hơn 500 kg/m3 và lớn hơn 2500 kg/m3, bê tông Polymer, bê tông có chất kết dính vôi – xỉ và chất kết dính hỗn hợp (ngoại trừ trường hợp sử dụng các chất kết dính này trong bê tông tổ ong), bê tông dùng chất kết dính bằng thạch cao và chất kết dính đặc biệt, bê tông dùng cốt liệu hữu cơ đặc biệt, bê tông có độ rỗng lớn trong cấu trúc.
1.5 Khi thiết kế kết cấu bê tông và bê tông cốt thép làm việc trong điều kiện đặc biệt (chịu tác động động đất, trong môi trường xâm thực mạnh, trong điều kiện độ ẩm cao, v.v…) phải tuân theo các yêu cầu bổ sung cho các kết cấu đó của các tiêu chuẩn tương ứng.
2 Tiêu chuẩn viện dẫn
Trong tiêu chuẩn này được sử dụng đồng thời và có trích dẫn các tiêu chuẩn sau:
- TCVN 4612 : 1988 Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng. Kết cấu bê tông cốt thép. Ký hiệu quy ước và thể hiện bản vẽ;
- TCVN 5572 : 1991 Hệ thống tài liệu thiết kế xây dựng. Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép. Bản vẽ thi công;
- TCVN 6048 : 1995 Bản vẽ nhà và công trình xây dựng. Ký hiệu cho cốt thép bê tông;
- TCVN 5898 : 1995 Bản vẽ xây dựng và công trình dân dụng. Bản thống kê cốt thép;
- TCVN 3118 : 1993 Bê tông nặng. Phương pháp xác định cường độ nén;
- TCVN 1651 : 1985 Thép cốt bê tông cán nóng;
- TCVN 3101 : 1979 Dây thép các bon thấp kéo nguội dùng làm cốt thép bê tông;
- TCVN 3100 : 1979 Dây thép tròn dùng làm cốt thép bê tông ứng lực trước;
- TCVN 6284 : 1997 Thép cốt bê tông dự ứng lực (Phần 1–5);
- TCVN 2737 : 1995 Tải trọng và tác động. Tiêu chuẩn thiết kế;
- TCXD 327 : 2004 Kết cấu bê tông cốt thép. Yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển;
- TCVN 197 : 1985 Kim loại. Phương pháp thử kéo;
- TCXD 227 : 1999 Cốt thép trong bê tông. Hàn hồ quang;
- TCVN 3223 : 1994 Que hàn điện dùng cho thép các bon và thép hợp kim thấp;
- TCVN 3909 : 1994 Que hàn điện dùng cho thép các bon và hợp kim thấp. Phương pháp thử;
- TCVN 1691 : 1975 Mối hàn hồ quang điện bằng tay;
- TCVN 3993 : 1993 Que hàn điện dùng cho thép các bon và hợp kim thấp. Phương pháp thử.
3 Thuật ngữ, đơn vị đo và ký hiệu
3.1 Thuật ngữ
Tiêu chuẩn này sử dụng các đặc trưng vật liệu “cấp độ bền chịu nén của bê tông” và “cấp độ bền chịu kéo của bê tông” thay tương ứng cho “mác bê tông theo cường độ chịu nén” và “mác bê tông theo cường độ chịu kéo” đã dùng trong tiêu chuẩn TCVN 5574 : 1991.
Cấp độ bền chịu nén của bê tông: ký hiệu bằng chữ B, là giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu nén tức thời, tính bằng đơn vị MPa, với xác suất đảm bảo không dưới 95%, xác định trên các mẫu lập phương kích thước tiêu chuẩn (150 mm x 150 mm x 150 mm) được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm nén ở tuổi 28 ngày.
Cấp độ bền chịu kéo của bê tông: ký hiệu bằng chữ Bt, là giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu kéo tức thời, tính bằng đơn vị MPa, với xác suất đảm bảo không dưới 95%, xác định trên các mẫu kéo tiêu chuẩn được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm kéo ở tuổi 28 ngày.
Mác bê tông theo cường độ chịu nén: ký hiệu bằng chữ M, là cường độ của bê tông, lấy bằng giá trị trung bình thống kê của cường độ chịu nén tức thời, tính bằng đơn vị daN/cm2, xác định trên các mẫu lập phương kích thước tiêu chuẩn (150 mm x 150 mm x 150 mm) được chế tạo, dưỡng hộ trong điều kiện tiêu chuẩn và thí nghiệm nén ở tuổi 28 ngày.