TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 7201:2015
KHOAN HẠ CỌC BÊ TÔNG LY TÂM – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
Spun concrete piles works – Construction, check and acceptance
Lời nói đầu
TCVN 7201:2015 được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn JIS A 7201:2009 “Standard practice for execution of spun concrete piles”.
TCVN 7201:2015 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KHOAN HẠ CỌC BÊ TÔNG LY TÂM – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
Spun concrete piles works – Construction, check and acceptance
1. Phạm vi áp dụng
1.1. Tiêu chuẩn này áp dụng cho công tác thi công và nghiệm thu cọc bê tông ly tâm được thi công bằng phương pháp khoan hạ.
1.2. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các công trình có điều kiện địa chất đặc biệt như mái đá nghiêng, tốc độ dòng chảy tại mũi cọc lớn … Các công trình trong điều kiện địa chất này được thi công và nghiệm thu theo yêu cầu của thiết kế.
CHÚ THÍCH:
Tiêu chuẩn này có thể mở rộng để áp dụng cho một số cọc rỗng, cọc đặc có tiết diện khác nhau với công nghệ phù hợp theo chỉ định của thiết kế.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
- TCVN 4453:1995, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối – Quy phạm thi công và nghiệm thu.
- TCVN 5308:1991, Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng.
- TCVN 9393:2012, Cọc – Phương pháp thí nghiệm bằng tải trọng tĩnh ép dọc trục.
- TCVN 7888:2008, Cọc bê tông ly tâm ứng lực trước.
- TCVN 2682:1999, Xi măng poóc lăng – Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 4506:2012, Nước trộn bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật
- TCVN 7506:2005, Yêu cầu về chất lượng hàn.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1. Cọc bê tông ly tâm
Là cọc bê tông cốt thép được sản xuất theo phương pháp quay ly tâm.
3.2. Khoan hạ cọc
Là công tác khoan tạo lỗ trong đất và dùng các biện pháp thích hợp để có thể đưa được cọc bê tông ly tâm xuống đến vị trí yêu cầu.
3.3. Khoan trước
Là khoan tạo lỗ trước khi hạ cọc.
3.4. Khoan trong
Là phương pháp khoan tạo lỗ dưới mũi cọc trong đó mũi và cần khoan được đưa qua lòng cọc.
3.5. Giá khoan
Là bộ phận dẫn hướng có thể trượt lên xuống theo thanh ray định hướng của tháp khoan.
3.6. Bộ phận khoan
Là tổ hợp các bộ phận thực hiện các công tác về đất và vữa trong lỗ khoan.
3.7. Cần khoan ruột gà
Là một thành phần của bộ phận khoan, có cánh vít liên tục dùng để khoan cắt đất.
3.8. Đầu khoan
Là thành phần được gắn ở vị trí thấp nhất của bộ phận khoan để cắt, phá hủy đất.
3.9. Cần trộn
Là thành phần của bộ phận khoan, có các thanh thép được hàn vuông góc với trục cần dùng để khuấy và trộn đất.
3.10. Thiết bị ép
Là bộ phận được gắn trên giá khoan dùng để hỗ trợ ép hạ cọc.
3.11. Dung dịch khoan
Là dung dịch dùng để giữ cho thành hố khoan bị sập trong khi khoan.
3.12. Vữa chèn hông cọc
Là hỗn hợp xi măng và nước dùng để chèn khe hở giữa thành hố khoan và mặt ngoài của cọc.
3.13. Vữa gia cố mũi cọc
Là hỗn hợp xi măng và nước bơm xuống gia cố mũi cọc để tăng khả năng chịu tải cho cọc.
3.14. Đoạn cọc âm (cọc giả)
Là trụ thép giúp hạ cọc trong trường hợp đầu cọc thấp hơn mặt đất.