TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 9346:2012
KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP – YÊU CẦU BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN TRONG MÔI TRƯỜNG BIỂN
Concrete and reinforced concrete structures – Requirementd of protection from corrosion in marine environment
Lời nói đầu
TCVN 9364:2012 được chuyển đổi từ TCXDVN 327:2004 thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết tiến hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9346:2012 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
KẾT CẤU BÊ TÔNG VÀ BÊ TÔNG CỐT THÉP – YÊU CẦU BẢO VỆ CHỐNG ĂN MÒN TRONG MÔI TRƯỜNG BIỂN
Concrete and reinforced concrete structures – Requirementd of protection from corrosion in marine environment1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về thiết kế, vật liệu và thi công nhằm đảm bảo khả năng chống ăn mòn cho các kết cấu bê tông, bê tông cốt thép (thông thường và ứng suất trước) xây dựng ở vùng biển với niên hạn sử dụng công trình tới 50 năm.
Tiêu chuẩn này được sử dụng kết hợp cùng các tiêu chuẩn hiện hành khác về thiết kế, yêu cầu vật liệu và thi công kết cấu bê tông và bê tông cốt thép.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau là cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
- TCVN 1651-1:2008, Thép cốt bê tông. Phần 1 – Thép thanh tròn trơn.
- TCVN 1651-2:2008, Thép cốt bê tông. Phần 2 – Thép thanh vằn.
- TCVN 1651-3:2008, Thép cốt bê tông. Phần 3 – Lưới thép hàn.
- TCVN 2682:2009, Xi măng pooclăng. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 2737:1995, Tải trọng và tác động. Tiêu chuẩn thiết kế.
- TCVN 4116:1985, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép thủy công. Tiêu chuẩn thiết kế.
- TCVN 4453:1995, Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép toàn khối. Quy phạm thi công và nghiệm thu.
- TCVN 4506:2012, Nước trộn bê tông và vữa. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 5574:1991, Kết cấu bê tông cốt thép. Tiêu chuẩn thiết kế.
- TCVN 5592:1991, Bê tông nặng. Yêu cầu bảo dưỡng ẩm tự nhiên.
- TCVN 6067:2004, Xi măng pooclăng bền sunfat. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 6260:2009, Xi măng pooclăng hỗn hợp. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 6284-1:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực. Phần 1 – Yêu cầu chung.
- TCVN 6284-2:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực. Phần 2 – Dây kéo nguội.
- TCVN 6284-3:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực. Phần 3 – Dây tôi và ram.
- TCVN 6284-4:1997, Thép cốt bê tông dự ứng lực. Phần 4 – Dảnh.
- TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa. Yêu cầu kỹ thuật.
- TCVN 7572-14:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Phương pháp thử. Phần 14 – Xác định khả năng phản ứng kiềm-silic.
- TCVN 7572-15:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – Phương pháp thử. Phần 15 – Xác định hàm lượng clorua.
- TCVN 7711:2007, Xi măng pooclăng hỗn hợp bền sunphát.
- EN 12696:2000, Bảo vệ catốt cho cốt thép trong bê tông.
3 Phân vùng xâm thực trong môi trường biển
3.1 Căn cứ vào tính chất và mức độ xâm thực của môi trường biển đối với kết cấu bê tông và bê tông cốt thép, môi trường biển được phân thành các vùng xâm thực theo vị trí kết cấu như sau:
3.1.1 Vùng ngập nước: vị trí các kết cấu nằm ngập hoàn toàn trong nước biển, nước lợ;
3.1.2 Vùng nước lên xuống: vị trí các kết cấu nằm giữa mức nước lên cao nhất và xuống thấp nhất của thủy triều, kể cả ở các khu vực bị sóng táp;
3.1.3 Vùng khí quyển: vị trí các kết cấu nằm trong không khí, chia thành các tiểu vùng;
3.1.3.1 Khí quyển trên mặt nước biển hoặc nước lợ: vị trí các kết cấu nằm trên mặt nước biển hoặc nước lợ;
3.1.3.2 Khí quyển trên bờ: vị trí các kết cấu nằm trên bờ trong phạm vi nhỏ hơn hoặc bằng 1 km cách mép nước;
3.1.3.3 Khí quyển gần bờ: vị trí các kết cấu nằm trên bờ trong phạm vi từ 1 km đến 30 km cách mép nước.
3.2 Tùy thuộc vào vị trí kết cấu ở vùng xâm thực nào mà lựa chọn biện pháp bảo vệ chống ăn mòn tương thích. Đối với một kết cấu lớn nằm đồng thời ở nhiều vùng khác nhau cần phân đoạn kết cấu theo từng vùng xâm thực để chọn biện pháp bảo vệ. Đối với kết cấu nhỏ đồng thời nằm ở nhiều vùng khác nhau, chọn vùng có tính xâm thực mạnh hơn để lập biện pháp bảo vệ. Đối với các kết cấu nằm ở vùng cửu sông chịu tác động xâm thực của nước lợ, phải áp dụng các biện pháp bảo vệ tương tự như kết cấu nằm trực tiếp trong và trên mặt nước biển.
CHÚ THÍCH: Vùng nước lên xuống và sóng táp là vùng có tính xâm thực mạnh nhất đối với bê tông và bê tông cốt thép. Vùng ngập nước biển chủ yếu gây ăn mòn bê tông. Vùng khí quyển biển chủ yếu gây ăn mòn cốt thép trong bê tông với mức độ yếu dần theo cự ly từ mép nước vào bờ.
4 Yêu cầu thiết kế
Tính toán kết cấu ngoài việc được thực hiện theo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành: TCVN 5574:1991, TCVN 4116:1985, TCVN 2737:1995 hoặc các tiêu chuẩn quy phạm chuyên ngành khác, đồng thời phải áp dụng bổ sung các biện pháp chống ăn mòn quy định theo 4.1, 4.2, 4.3, 4.4, 4.5 và 4.6.
4.1 Yêu cầu tối thiểu về mác bê tông, độ chống thấm của bê tông, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép, bề rộng khe nứt giới hạn và cấu tạo kiến trúc bề mặt của kết cấu công trình được quy định ở Bảng 1.
Download tiêu chuẩn :