Nhà ở là một nhu cầu thiết yếu của con người, là nơi để sinh hoạt, nghỉ ngơi và sum vầy bên gia đình. Thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ là một việc quan trọng, cần được thực hiện một cách cẩn thận và tuân thủ các quy định của pháp luật. Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ được pháp luật quy định một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo công tác quản lý xây dựng được hiệu quả, đồng thời đảm bảo các yếu tố về an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường và phù hợp với quy hoạch chung của địa phương.
Bài viết sau đây sẽ trình bày các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ. Hiểu rõ các quy định này sẽ giúp bạn có thể thiết kế và xây dựng một ngôi nhà đảm bảo chất lượng, an toàn và phù hợp với nhu cầu của bản thân.
1. Nhà ở riêng lẻ là gì và những khái niệm liên quan
Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp (theo Khoản 2 Điều 2 Luật Nhà ở 2023).
Trong đó:
- Thửa đất ở (Residential land plot): Phần diện tích đất ở được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
- Nhà ở liền kề: Là những ngôi nhà thường nằm sát nhau hoặc có thể nằm giữa những công trình khác, tạo ra sự giao thoa giữa không gian riêng tư và không gian cộng đồng.
- Nhà biệt thự: Thường là những ngôi nhà có quy mô rộng lớn với thiết kế độc đáo, mang đến không gian riêng tư và tiện ích cao cấp.
- Nhà ở độc lập: Là những ngôi nhà đứng độc lập, không chung tường với các công trình xây dựng khác. Loại nhà ở này thường là lựa chọn yêu thích cho những gia đình muốn giữ gìn sự riêng tư tuyệt đối.
Có thể thấy, theo quy định trên thì hầu hết nhà ở hiện nay của người dân đều là nhà ở riêng lẻ. Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ không chỉ là tự do cá nhân mà còn phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là luật xây dựng và quản lý đất đai.
Tiêu chuẩn xây dựng nhà có thể hiểu là những quy tắc, quy chuẩn/yêu cầu về kỹ thuật trong xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà thầu thi công bắt buộc phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn này trong xây dựng, không được tự ý thay đổi.
Nhà ở riêng lẻ sau khi xây dựng và hoàn thành cần phải đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ đưa ra. Nếu công trình không đáp ứng được những tiêu chuẩn này sẽ bị xử phạt hành chính theo theo mức độ vi phạm. Trường hợp nặng gia chủ phải dỡ bỏ công trình để đáp ứng những tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định.
2. Căn cứ pháp lý
Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, cá nhân, hộ gia đình cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn được pháp luật quy định sau đây:
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD được ban hành tại Thông tư 01/2021/TT-BXD;
- Quy định về việc xây dựng nhà ở riêng lẻ tại Luật Nhà ở 2023, Luật Xây dựng 2014, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và các văn bản khác có liên quan;
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012 về nhà ở liền kề – tiêu chuẩn thiết kế
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9386:2012: Thiết kế công trình chịu động đất
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9362:2012 – Tiêu chuẩn thiết kế nền nhà và công trình
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4513:1988 về cấp nước bên trong
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4474:1987 về thoát nước bên trong
- Tiêu chuẩn TCVN 7447 về hệ thống lắp đặt điện trong tòa nhà
- TCVN 9385-2012 Quy định về chống sét cho công trình
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5687:2010 về thông gió
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 3890:2023 về phòng cháy chữa cháy – phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – trang bị, bố trí
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7958:2017 về Bảo vệ công trình xây dựng – Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới
- Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5674:1992 về công tác hoàn thiện trong xây dựng – thi công nghiệm thu
- Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13967:2024 Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế
- Các quy hoạch về xây dựng tại địa phương, ví dụ như quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng,…
3. Các tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ người dân cần biết
Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Trong đó, những tiêu chuẩn cơ bản bạn cần biết để chuẩn bị cho công trình xây dựng gồm có:
3.1 Tiêu chuẩn về vị trí xây dựng
Đầu tiên, nhà ở riêng lẻ phải được xây dựng trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, đảm bảo tính chủ thể và hợp pháp của việc sử dụng đất.
Không xây dựng nhà ở riêng lẻ trên các vùng có nguy cơ sạt lở, trượt đất…, vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, địa điểm xây dựng nhà ở riêng lẻ cần chú ý đến yêu cầu tiếp cận của lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
3.2 Tiêu chuẩn diện tích và kích thước lô đất
Khi thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ, người dân cần phải nắm được quy định của pháp luật về diện tích tối thiểu và diện tích tối đa được phép xây dựng. Mục đích giúp cho quá trình xây dựng không bị gián đoạn, đồng thời đảm bảo công trình thi công hoàn thiện không trái quy định của pháp luật.
- Diện tích tối thiểu của lô đất xây dựng nhà ở là 40m2 (đối với nông thôn) hoặc 80m2 (đối với đô thị).
- Diện tích tối thiểu của một căn nhà ở là 30m2 (đối với khu vực có chiều cao trên 5 tầng) hoặc 60m2 (đối với khu vực có chiều cao dưới 5 tầng). Diện tích tối đa của nhà ở riêng lẻ không vượt quá 50% diện tích lô đất.
3.3 Tiêu chuẩn về quy hoạch và thiết kế kiến trúc
Nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, số tầng cao và các yêu cầu khác tại quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc, quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc của địa phương (nếu có) được phê duyệt và phù hợp quy định pháp luật.
Giải pháp kiến trúc, kỹ thuật đảm bảo mỹ quan, tuân thủ thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc (nếu có). Ngoài ra, giải pháp kiến trúc phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu của khu vực, tận dụng tối đa thông gió, chiếu sáng tự nhiên, bền vững và thân thiện với môi trường.
Trường hợp nhà ở kết hợp các mục đích sử dụng khác cần an toàn, thuận tiện và tuân thủ các quy định pháp luật tương ứng với mục đích sử dụng, các tiêu chuẩn có liên quan với phần diện tích sử dụng cho mục đích khác.
Bên cạnh đó, việc thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ cũng cần tuân thủ các yêu cầu sau đây:
- Sử dụng vật liệu xây dựng theo quy định.
- Đáp ứng yêu cầu về công năng sử dụng, công nghệ áp dụng.
- Đảm bảo an toàn chịu lực, an toàn sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống cháy nổ.
Hộ gia đình có quyền tự thiết kế nhà dưới 250m2, 3 tầng hoặc cao dưới 12 mét, phù hợp quy hoạch xây dựng được duyệt. Hộ gia đình chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế, tác động môi trường và an toàn công trình lân cận.
Ví dụ: Khi xây dựng nhà ở, chủ nhà muốn mở cửa sổ phải tuân thủ theo khoảng cách quy định chứ không phải muốn trổ cửa sổ thế nào cũng được.
- Theo Bộ luật dân sự 2015, chỉ được phép mở cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định xây dựng.
- Khoảng cách từ mặt dưới mái che cửa sổ đến mặt đất phải từ 2,5 mét trở lên.
- Theo TCVN 9411:2012, không được mở cửa sổ nếu tường nhà xây sát ranh giới lô đất hoặc nền nhà bên cạnh, trừ khi tường cách ranh giới từ 2,0 m trở lên.
3.4 Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ – tầng và chiều cao của công trình
Căn cứ theo Điều 119 Luật Xây dựng 2020, chiều cao tầng của nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:
- Chiều cao xây dựng trung bình của nhà 1 tầng là 3m tính từ tầng dưới lên tầng trên.
- Chiều cao tối đa giữa các tầng từ tầng 2 trở lên là 3,4m.
- Chiều cao tầng tối đa là 3,5m tính từ cao độ vỉa hè đến chân ban công trong trường hợp ban công vượt lộ giới.
- Chiều cao tối đa tính từ mặt đất là 3,8m.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ cho các quy định này, cụ thể như sau:
- Nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực bảo tồn, di tích lịch sử – văn hóa: chiều cao tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và quản lý di tích.
- Nhà ở riêng lẻ được xây dựng theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: chiều cao tầng được thực hiện theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn.
- Nhà ở riêng lẻ được xây dựng trên địa bàn có điều kiện tự nhiên đặc biệt, có nguy cơ thiên tai, lũ lụt, sạt lở: chiều cao tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở.
- Nhà ở riêng lẻ được xây dựng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
- UBND cấp tỉnh có thể quy định về chiều cao tầng của nhà ở riêng lẻ trên địa bàn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
3.5 Tiêu chuẩn về kết cấu công trình nhà ở riêng lẻ
Tùy theo điều kiện địa chất công trình thực tế của khu vực xây dựng, thiết kế nền/móng phù hợp TCVN 9362 và các tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng. Cần tính toán thiết kế kết cấu an toàn, bền vững, chịu được các tải trọng và tổ hợp tải trọng bất lợi nhất tác động lên chúng, các tải trọng liên quan đến điều kiện tự nhiên của (gió bão, động đất, sét, ngập lụt) phù hợp quy định trong tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng.
Hệ kết cấu có sơ đồ làm việc rõ ràng, đảm bảo an toàn chịu lực, an toàn phòng cháy chữa cháy phù hợp các tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng và quy định có liên quan.
Thiết kế, xây dựng nhà ở riêng lẻ cần hạn chế sử dụng giải pháp sử dụng chung tường, chung kết cấu chịu lực giữa các nhà. Khi xây dựng tại vùng có động đất cần có các giải pháp phù hợp quy định trong TCVN 9386.
3.6 Tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu
Căn cứ theo quy định tại TCVN 13967:2024, vật liệu xây dựng nhà ở riêng lẻ cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
- Ưu tiên sử dụng vật liệu đảm bảo cách âm, cách nhiệt và độ bền lâu trước tác động của khí hậu, xâm thực của môi trường xung quanh, của các tác nhân sinh học và tác nhân có hại khác đảm bảo cho kết cấu công trình có khả năng chịu lực và khả năng sử dụng bình thường mà không phải sửa chữa lớn trong suốt thời hạn sử dụng (tuổi thọ thiết kế) của công trình.
- Khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường và vật liệu địa phương nhằm giảm giá thành xây dựng. Vật liệu xây dựng cần phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của khu vực.
- Vật liệu xây dựng mặt ngoài nhà phải phù hợp với phong cách kiến trúc và hài hòa với kiến trúc và cảnh quan của khu vực. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu có độ bền cao, ít bám bụi. Hạn chế sử dụng các loại vật liệu phản quang cho các mặt ngoài công trình tiếp giáp với đường giao thông.
3.7 Tiêu chuẩn về hệ thống kỹ thuật bên trong công trình
Chủ đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ theo những tiêu chuẩn về hệ thống kỹ thuật bên trong như: cấp thoát nước, hệ thống điện, chống sét, thông gió,… được quy định tại TCVN 13967:2024 như sau:
STT | Kỹ thuật | Tiêu chuẩn |
1 | Cấp nước | Hệ thống cấp nước cần liên tục đáp ứng nhu cầu sử dụng, phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 4513 và đảm bảo chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Mạng lưới đường ống cấp nước chính bên trong nhà nên được đặt trong hộp kỹ thuật, hạn chế đặt chung với các đường ống thông gió và thông hơi. Đối với các nhà có hệ thống cấp nước chữa cháy thì phải tính toán lưu lượng, cột áp đảm bảo cho hệ thống hoạt động theo quy định về an toàn cháy. |
2 | Thoát nước | Thiết kế hệ thống thoát nước bên trong cần phù hợp các yêu cầu trong TCVN 4474. Nước mưa và các loại nước thải không được xả trực tiếp lên mặt hè, đường phố mà phải theo hệ thống cống, ống ngầm từ bên trong nhà chảy vào hệ thống thoát nước chung. Ống thoát nước mưa, máng xối không được phép xả nước sang ranh giới thửa đất hoặc ranh giới nền nhà liền kề. Hệ thống thoát nước của nhà phải nối với hệ thống thoát nước chung của khu ở. Cần lắp đặt bể tự hoại để xử lý nước thải của khu vệ sinh trước khi thải vào vào hệ thống thoát nước chung của đô thị, khu dân cư. Khuyến khích lắp đặt hệ thống thu gom, tái sử dụng nước mưa cho những mục đích như tưới cây, rửa xe, rửa sân, rửa đường. |
3 | Cấp điện | Hệ thống đường dây dẫn điện cần được thiết kế độc lập với các hệ thống khác, dễ dàng thay thế, sửa chữa khi cần thiết, phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 7447 và quy định về hệ thống điện. Hệ thống điện cần được bảo vệ bằng các thiết bị chống quá tải như aptomat, cầu chì. Tủ phân phối điện phải làm bằng vật liệu phù hợp theo tiêu chuẩn lựa chọn áp dụng, kích cỡ phù hợp với các loại mạch điện, có dây tiếp đất và thiết bị bảo vệ tự động khi có sự cố. Lắp đặt tủ phân phối điện tại vị trí phù hợp với vị trí của đường cấp điện vào nhà, đảm bảo mỹ quan, an toàn và thuận tiện khi cần sửa chữa, thay thế; Không lắp đặt dây dẫn điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy. Dây dẫn điện đặt trong nhà phải được đặt trong ống gen, máng cáp, tại vị trí tiếp giáp với thiết bị, vật dụng dễ cháy, nổ phải ngăn cách bằng vật liệu không cháy. Lựa chọn loại dây dẫn điện có tiết diện lớn hơn khả năng tải hiện tại từ 30% trở lên để dự phòng có thêm các thiết bị tiêu thụ điện trong tương lai. Hệ thống điện lắp đặt cho phần diện tích sàn sử dụng cho mục đích khác phải riêng biệt với phần diện tích sử dụng với mục đích để ở; bảo đảm đúng công suất tiêu thụ của các thiết bị điện; có thiết bị bảo vệ, đóng ngắt chung cho hệ thống,… |
4 | Chiếu sáng, chống sét | Cần triệt để tận dụng chiếu sáng tự nhiên và áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Chiếu sáng nhân tạo phải đảm bảo đủ để khi thiếu hoặc không có chiếu sáng tự nhiên vẫn bảo đảm mọi hoạt động bình thường của người sử dụng. Đảm bảo chiếu sáng khẩn cấp trên đường thoát nạn khi xảy ra sự cố theo quy định về an toàn sinh mạng và sức khỏe. Yêu cầu về độ rọi duy trì tối thiểu tại các khu vực cần tuân thủ theo quy định. Khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh. Hệ thống chống sét phải lắp đặt trên đỉnh của nhà và có dây tiếp đất, phù hợp các yêu cầu trong TCVN 9385. |
5 | Thông gió và điều hòa không khí | Hệ thống thông gió và điều hoà không khí cần phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 5687 và các giá trị vi khí hậu tại nơi làm việc. Cần bố trí thông gió hút thải cục bộ cho các phòng/không gian phát sinh chất ô nhiễm như bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh, giặt là. Sử dụng các giải pháp công nghệ, giải pháp kiến trúc, giải pháp kết cấu hợp lý nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh, tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cần chừa sẵn vị trí lắp đặt hệ thống điều hoà, các ống thoát khí và thoát nước ngưng ở vị trí không ảnh hưởng đến kiến trúc của công trình và thửa đất liền kề, đảm bảo mỹ quan và an toàn vệ sinh môi trường. |
6 | Thông tin liên lạc, viễn thông | Hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông thiết kế đồng bộ trong và ngoài nhà, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng, đấu nối với hệ thống của nhà cung cấp, đồng thời dễ dàng thay thế, sửa chữa, đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại và trong tương lai. Cần bố trí sẵn ống cáp dẫn đặt bên trong tường và đảm bảo khoảng cách tối thiểu tới các đường ống kỹ thuật khác. Trường hợp sử dụng chảo thu, phát sóng cần lắp đặt tại vị trí theo quy định về quản lý đô thị của khu vực, đảm bảo an toàn và mỹ quan. Có thể lắp đặt hệ thống Camera an ninh phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của công trình. |
3.8 Tiêu chuẩn về an toàn cháy khi xây dựng nhà ở riêng lẻ
Các giải pháp an toàn cháy cần được xem xét áp dụng phù hợp với những giải pháp an ninh của nhà (nếu có) để đạt được mục đích về an toàn sinh mạng khi xảy ra cháy, nhằm bảo vệ được sinh mạng của người trong nhà và không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ (Theo quy định tại Mục 9 – TCVN 13967:2024)
Việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy cần được thực hiện theo quy định tại TCVN 3890 và các tài liệu chuẩn được phép áp dụng.
3.9 Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ trong công tác hoàn thiện
Công tác hoàn thiện cần phù hợp với các yêu cầu trong TCVN 5674 và TCVN 7958. Ngoài ra, thiết kế mặt ngoài cần hài hòa giữa các yếu tố như vật liệu, màu sắc, chi tiết trang trí, hòa nhập với cảnh quan khu vực, phù hợp với chức năng công trình.
Công tác hoàn thiện ngoại thất, sử dụng vật liệu, màu sắc cần phải tuân thủ quy định theo thiết kế đô thị tại khu vực đó. Các chi tiết kiến trúc của mặt đứng như: cửa sổ, cửa đi, lan can, ban công, lô gia, gờ phào, chi tiết mái…. cần đảm bảo an toàn cho người sử dụng, không ảnh hưởng đến sự hoạt động của thiết bị và phương tiện bảo dưỡng ngoài nhà.
Khi lắp đặt biển quảng cáo phải bảo đảm không cản trở đường thoát nạn, lối ra thoát nạn, lối ra khẩn cấp của nhà và theo quy định về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.
4. Ý nghĩa các tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ
Tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ đảm bảo chất lượng công trình mà còn tạo nên cuộc sống văn minh, hài hòa và phát triển. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng và cộng đồng.
- Chất lượng công trình: Yêu cầu về chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng và thiết bị đảm bảo rằng công trình sẽ có độ bền và tuổi thọ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, giúp người sử dụng có một ngôi nhà chất lượng và an toàn.
- Đảm bảo an toàn: Quy định về biện pháp thi công và an toàn đảm bảo rằng công trình xây dựng không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn và trật tự trong khu vực xung quanh. Điều này làm giảm rủi ro tai nạn và bảo vệ cộng đồng xung quanh.
- Tuân thủ pháp luật: Ngoài các quy định cụ thể về xây dựng, việc tuân thủ các quy định khác của pháp luật liên quan, quy định về quản lý xây dựng là bước quan trọng để đảm bảo tính hợp pháp và phù hợp với quy định hệ thống pháp luật.
- Quản lý hiệu quả: Việc tổ chức giám sát và lưu trữ hồ sơ nhà ở riêng lẻ tăng tính minh bạch và quản lý hiệu quả. Hồ sơ này không chỉ là công cụ kiểm soát mà còn là nguồn thông tin hữu ích để đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ các quy định.
5. Một số câu hỏi thường gặp về tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ
5.1 Ai chịu trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng thuộc về các chủ thể sau:
- Chủ đầu tư: Là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm: tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng; cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định; tổ chức thi công, nghiệm thu công trình theo quy định,…
- Nhà thầu thi công: Là đơn vị được chủ đầu tư lựa chọn để thi công công trình, có trách nhiệm: thi công công trình theo đúng thiết kế, bản vẽ thi công và hồ sơ kỹ thuật được duyệt; đảm bảo chất lượng công trình theo quy định; chịu trách nhiệm về an toàn lao động trong quá trình thi công,…
- Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng: Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
5.2 Tôi có thể liên hệ với ai để được tư vấn về tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ?
- Cán bộ chuyên môn của Sở Xây dựng địa phương.
- Các công ty tư vấn thiết kế, thi công xây dựng uy tín.
5.3 Xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không có giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 7, Khoản 15 – Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, khi tiến hành xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị nhưng không có giấy phép xây dựng thì bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng.
5.4 Muốn xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thì có cần được công nhận về quyền sử dụng đất không?
Câu trả lời là “Có”, phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thì mới được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.
- Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số: 53/2017/NĐ-CP thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một những loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp phép xây dựng.
- Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 95 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi 2020, về thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng phải có bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng nhà ở riêng lẻ mang lại nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Một ngôi nhà được xây dựng an toàn, tiện nghi, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo nên một môi trường sống văn minh, hiện đại. Hãy tuân thủ các tiêu chuẩn này để có một ngôi nhà lý tưởng cho bản thân và gia đình nhé!