Cả BS 8110 – 97 và TCVN 356 – 2005 đều tính toán cấu kiện bê tông cốt thép dựa trên lý thuyết về trạng thái giới hạn (về độ bền và trạng thái sử dụng). Đối với cấu kiện loại Dầm, cả BS lẫn TCVN đều thiết lập phương trình cân bằng lực ở trạng thái giới hạn, giải phương trình và tìm ra lượng cốt thép yêu cầu. Đối với cấu kiện loại Cột, cách truyền thống được nêu ra trong BS là quy đổi về trường hợp lệch tâm phẳng với hệ số quy đổi, bên cạnh đó, BS cũng đưa ra các biểu đồ tương tác dùng để kiểm tra khả năng chịu lực của tiết diện.
TCVN vẫn đang chật vật với việc tính toán cột chịu nén lệch tâm xiên, tuy nhiên đã đưa ra điều kiện tổng quát, và công thức cho phép xác định ứng suất của cốt thép phụ thuộc vào vị trí của đường giới hạn vùng nén. Những năm gần đây, các nghiên cứu về việc xây dựng biểu đồ tương tác đã đạt được nhiều kết quả, bên cạnh đó là quy trình tính toán cốt thép theo phương pháp đúng dần dựa vào biểu đồ tương tác. Chúng ta hoàn toàn giải được bài toán khung bê tông cốt thép theo TCXDVN 356 – 2005.
Mặc dù Etabs không cung cấp lựa chọn tiêu chuẩn TCVN 356 trong tính toán cốt thép; nhưng từ những điểm chung của hai tiêu chuẩn như đã nói ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể dùng Etabs + BS 8110 – 97 + Tải trọng VN + Vật liệu VN -> Cốt thép theo TCVN 356 – 2005
Đầu tiên là khai báo tiêu chuẩn BS 8110 – 97; nhưng sửa đổi hai thông số giảm hoạt tải và giới hạn sử dụng.
Khai báo tổ hợp thiết kế là tổ hợp theo tiêu chuẩn việt nam
Thay dổi vật liệu theo tiêu chuẩn Việt Nam
Bạn cần biết, mặc dù BS yêu cầu bạn nhập hai thông số về cường độ Vật Liệu; là fcu (cường độ đặc trưng của bê tông, tương ứng với cấp độ bền. Ví dụ: B15 là 15MPa, B20 là 20MPa) và fy (giới hạn chảy của cốt thép); Tuy nhiên giá trị tính toán của vật liệu theo BS được lấy như sau:
- Đối với Bê tông: cường độ tính toán = 0.67*fcu/1.5.
- Đối với Cốt thép: cường độ tính toán = fy/1.05.
Ở đây 1.5 và 1.05 là hệ số an toàn riêng cho Bê tông và Cốt thép
Suy ngược lại, nếu bạn muốn khai báo vật liệu theo tiêu chuẩn Việt Nam; bạn cần khai báo cường độ tính toán đã nhân với các hệ số trên. Ví dụ:
- Với B15, R=85 kG/cm2 -> fcu khai báo sẽ bằng: 85*1.5/0.67 = 190.3 kG/cm3
- Với B20, R=115 kG/cm2 -> fcu khai báo sẽ bằng: 115*1.5/0.67 = 257.5 kG/cm2
- Với B25, R=145 kG/cm2 -> fcu khai báo sẽ bằng: 145*1.5/0.67 = 324.6 kG/cm2
- Với AII, R=2800 kG/cm2 -> fy khai báo sẽ bằng: 2800*1.05 = 2940 kG/cm2
- Với AIII, R=3650 kG/cm2 -> fy khai báo sẽ bằng: 3650*1.05 = 3832.5 kG/cm2
Ở đây fcu và fy đã được khai theo tiêu chuẩn Việt Nam quy đổi lên; không phải theo con số đúng với ý nghĩa của nó như trong BS.
Cần nói thêm rằng kết quả tính toán như trên chỉ đúng về mặt định tính (số liệu); mà không phù hợp về mặt pháp lý. Tuy nhiên có thể vận dụng bài viết này để áp dụng trong tính toán; và kiểm tra nhanh kết quả trong thiết kế kết cấu bê tông cốt thép theo TCVN.