Khi chuẩn bị xây dựng công trình, bạn nên tìm hiểu kỹ về vật liệu xây dựng chất lượng để đảm bảo công trình đẹp, bền, tiết kiệm và an toàn.
Để có một công trình đẹp, an toàn và tiết kiệm bạn nên tìm hiều kỹ về chất lượng vật liệu xây dựng. Vật liệu xây dựng quan trọng nhất là cát, gạch, thép, đá, nước và xi măng.
Khi chọn vật liệu xây dựng chất lượng bạn nên chú ý những điểm sau đây đối với từng loại vật liệu xây dựng:
1. Cát
Có thể phân biệt chất lượng cát bằng cách lấy một vốc cát rồi nắm tay lại. Chất bẩn (như bùn) sẽ dính lại vào lòng bàn tay bạn. Trong cát có đất sét, sạn hay các chất bẩn khác có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công trình. Chúng cần được sàng lọc ra khỏi cát trước khi sử dụng.
Một phương pháp kiểm tra khoa học hơn cách trên là đổ cát vào nửa bình thủy tinh, thêm một ít nước vào rồi quấy lên. Cát sẽ lắng xuống đáy, các chất bẩn sẽ xuất hiện rõ. Có một nguyên tắc là nếu hàm lượng bùn hoặc bụi bẩn vượt quá 3% tổng trọng lượng cát thì cát đó cần được làm sạch trước khi sử dụng. Tóm lại, cát chất lượng là cát không thể chứa đất sét, chất bẩn, mica hay vỏ sò…
Một điều cần chú là không nên sử dụng cát nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn trong bê tông và xây thô.
2. Xi măng
Xi măng là một chất gắn kết các thành phần cát, đá và nước lại với nhau để hình thành đá nhân tạo. Xi măng là thành phần quan trọng nhất trong công tác xây, tô và đổ bê tông. Chọn xi măng thích hợp sẽ đảm bảo sự vững chắc cho công trình xây dựng. Nên lựa chọn nhãn hiệu xi măng uy tín, có danh tiếng và được sự tin tưởng của nhà thầu cũng như kiến trúc sư
Có thể bạn phải tốn thêm chi phí rất lớn sau này để sữa chữa nếu như tiết kiệm một vài nghìn đồng khi mua xi măng kém chất lượng. Hãy nhớ rằng một khi đã sử dụng xi măng để xây rồi bạn không thể thay thế hoặc cải thiện nó như với mái ngói hoặc với một số các thứ khác. Nếu nó kém chất lượng, bạn phải đập bỏ để làm lại. Chi phí mua xi măng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị của công trình. Thông thường, xi măng chiếm khoảng 7% – 9% tổng giá trị công trình. Vì vậy, khi lựa chọn xi măng, bạn hãy chắc chắn mình đã quyết định đúng.
3. Đá
Cốt liệu thô thường là những viên đá nhỏ tăng thêm sức chịu lực cho bê tông. Đá sử dụng cho bê tông thông dụng hiện nay là đá 1×2 (kích thước hạt lớn nhất 20mm – 25mm). Cốt liệu đá phải sạch tạp chất khi đưa vào trộn bê tông.
Trong khi lựa chọn đá, bạn cần lưu ý những yếu tố: Đá thông dụng có dạng hình khối, không có nhiều tạp chất và ít thành phần hạt dẹt; loại bỏ ngay lập tức các tạp chất bằng cách sàng và rửa.
4. Nước
Nếu bạn sử dụng nước máy từ hệ thống cấp nước thì không cần phải lo. Trường hợp bạn dùng nước giếng hay nguồn khác thì nước cần phải sạch, không có chất bẩn.
Tuyệt đối không dùng nước biển, nước phèn, nước ao hồ, nước lợ, nước có váng dầu, mỡ để xây nhà. Lượng nước phù hợp với tỉ lệ xi măng sẽ giúp công trình vững chắc.
5. Bê tông và vữa
Bê tông là loại vật liệu đá nhân tạo được hình thành bằng cách đổ khuôn và làm rắn chắc hỗn hợp tỉ lệ hợp lý của các thành phần gồm xi măng, nước, cát, đá và phụ gia nếu có.
Trong đó, đá và cát (cốt liệu) đóng vai trò là bộ khung chịu lực; chất kết dính và nước (hồ) bao bọc xung quanh hạt cốt liệu đóng vai trò là chất bôi trơn và đồng thời lấp đầy các khoảng trống giữa các hạt cốt liệu; vữa là hỗn hợp gồm cát, xi măng và nước theo một tỉ lệ nhất định.
Chất lượng bê tông và vữa sẽ giảm (cường độ không đạt thiết kế) nếu không có chế độ bảo dưỡng hợp lý và đúng cách. Đối với vữa xây tô, nên bảo dưỡng ẩm liên tục từ 7 ngày đến 10 ngày; đối với bê tong, bảo dưỡng liên tục từ 10 – 14 ngày.
6. Gạch và cách chọn gạch
Gạch có thể kiểm tra được thông qua quan sát. Thường thì gạch tốt cần phải có hình dạng chuẩn với những góc cạnh sắc. Màu sắc tương đồng nhau cũng bảo đảm chất lượng tốt.
Kiểm tra gạch chất lượng bằng cách làm vỡ một viên gạch, khi đó nó sẽ không vỡ vụn ra thành nhiều mảnh nhỏ. Có thể đập 2 viên gạch vào nhau, gạch chất lượng sẽ phát ra âm thanh dứt khoát hoặc thử làm rơi một viên gạch ở độ cao khoảng 1 mét, gạch tốt sẽ không bị vỡ.
Một cách khác nữa đó là bạn ngâm viên gạch vào trong nước khoảng 24 giờ, sau đó kiểm tra trọng lượng của nó. Nếu trọng lượng nặng thêm hơn 15%, bạn không nên sử dụng loại gạch này. Ví dụ, một viên gạch nặng 2kg không được nặng quá 2,3kg sau khi bị ngâm trong nước 24 giờ.
7. Thép
Bê tông có sức chịu lực nén tốt nhưng chịu lực kéo và lực uốn kém. Để khắc phục điều này, thanh thép cần phải được đặt trong bê tông để có thêm sức chịu lực cần thiết. Do đó mới xuất hiện thuật ngữ bê tông cốt thép. Hãy lựa chọn thép từ những thương hiệu uy tín trên thị trường. Bạn nên tham khảo kích cỡ và chủng loại thép từ kiến trức sư của bạn.
8. Cốp pha
Cốp pha được sử dụng để làm khuôn đổ bê tông. Cốt pha phải đúng kích thước thiết kế mới đảm bảo được khả năng chịu lực của bê tông. Thực tế đây là việc của nhà thầu. Bạn có thể lưu ý với giám sát của bạn vần đề này khi tiến hành xây dựng.
9. Thiết bị điện, nước
Các thiết bị này sẽ được lắp đặt bên trong công trình; vì thế bạn nên chọn những sản phẩm có xuất xứ và chất lượng uy tín; đồng thời có thiết kế phù hợp với ngôi nhà.