Phân tích cấu tạo hình học của các hệ phẳng
Bài giảng cơ học kết cấu 1 nội dung cụ thể của chương này gồm có: Khái niệm, các loại liên kết, cách nối các miếng cứng thành hệ bất biến hình.
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH CẤU TẠO HÌNH HỌC CỦA CÁC HỆ PHẲNG
§ 2.1 KHÁI NIỆM
1.Hệ bất biến hình (BBH)
Là hệ kết cấu khi chịu tải trọng tác dụng vẫn giữ nguyên được hình dạng hình học ban đầu của nó nếu các biến dạng đàn hồi của các vật thể là không đáng kể hoặc xem các cấu kiện của hệ là tuyệt đối cứng.
- Kết cấu trong xây dựng thường là hệ bất biến hình.
- Kết cấu BBH có khả năng chịu được tác dụng của tải trọng.
- Nội lực phát sinh trong hệ cân bằng với ngoại lực tác dụng.
2. Hệ biến hình (BH)
Là hệ kết cấu khi chịu tải trọng tác dụng sẽ thay đổi hình dạng hình học ban đầu một cách hữu hạn mặc dù coi các biến dạng đàn hồi của các vật thể là không đáng kể hoặc xem các cấu kiện của hệ là tuyệt đối cứng.
- Kết cấu biến hình không có khả năng chịu tải trọng
- Công trình xây dựng không dùng hệ BH
3. Hệ biến hình tức thời (BHTT)
Là hệ kết cấu khi chịu tải trọng tác dụng sẽ thay đổi hình dạng hình học ban đầu của nó vô cùng bé (Nếu bỏ qua các đại lượng vô cùng bé bậc cao về sự thay đổi kích thước hình học) mặc dù xem các cấu kiện của hệ là tuyệt đối cứng.
- Sau khi thay đổi hình dạng hình học vô cùng bé hệ lại trở nên BBH
- Nội lực phát sinh trong hệ thường rất lớn
- Kết cấu trong xây dựng không dùng hệ BHTT