TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI
KHOA XÂY DỰNG
TÀI LIỆU GIẢNG DẠY
HƯỚNG DẪN ĐỒ ÁN KHUNG BÊ TÔNG CỐT THÉP
Chủ biên: TS. ĐẶNG VŨ HIỆP
BỘ MÔN:
KẾT CẤU BÊ TÔNG CỐT THÉP và GẠCH ĐÁ
PHẦN MỘT
HƯỚNG DẪN CHUNG
I. Mục tiêu của đồ án
Hướng dẫn người học thực hành triển khai các bước thiết kế kết cấu một công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép cụ thể.
Cung cấp cho người học kỹ năng phân tích, lựa chọn hệ kết cấu, quan niệm tính toán phù hợp với đặc điểm hệ kết cấu, có kỹ năng tính toán thực hành từng bước thiết kế cho công trình thực, có khả năng đánh giá sự hợp lý kết quả thiết kế cuối cùng. Hơn nữa, giúp người học nắm vững cấu tạo các cấu kiện khung bê tông cốt thép toàn khối, thể hiện bản vẽ khung, thống kê cốt thép và các ghi chú cần thiết.
II. Nhiệm vụ của đồ án
Trong bản thuyết minh cần nêu đầy đủ các luận cứ khoa học, cách giải quyết và tính toán cần thiết để đáp ứng được các nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ của thuyết minh bao gồm các bước từ 1 đến 5 như sau:
- Đưa ra giải pháp thiết kế kết cấu cho công trình thuần khung có mặt bằng đơn giản. Đưa ra quan niệm về sự làm việc của hệ kết cấu.
- Lập sơ đồ tính khung: Từ sơ đồ kết cấu thực xây dựng sơ đồ hình học và sơ đồ tính tính toán đã đơn giản hóa. Yêu cầu chọn khung nguy hiểm để tính hoặc giáo viên giao nhiệm vụ cụ thể cho sinh viên một khung.
- Tính toán các loại tải trọng thông thường tác dụng lên một khung đã chọn để thiết kế, bao gồm: – Tĩnh tải: Vẽ mặt bằng truyền tải các tầng. Bảng tính số liệu có diễn giải.
- Hoạt tải: Vẽ mặt bằng truyền tải các tầng theo các phương án tải. Lập bảng tính số liệu có diễn giải.
- Tải trọng gió: Tính toán số liệu có diễn giải.
- Lập các sơ đồ chất tải lên khung.
- Xác định nội lực và tổ hợp nội lực.
- Tính toán nội lực khung bằng phần mềm tính toán, trình bày các biểu đồ nội lực tương ứng sơ đồ tải trọng.
- Lập bảng các kết quả nội lực cho các trường hợp tải trọng.
- Tổ hợp nội lực cho một vài phần tử cột, dầm trong khung.
- Thiết kế cốt thép cho khung.
- Thiết kế cốt dọc, ngang, treo…cho một vài phần tử cột, dầm điển hình.
- Lập bảng kết quả tính thép cho các phần tử còn lại trong khung.
- Chọn và cấu tạo thép cho toàn khung. Trình bày cấu tạo cho một vài nút khung cụ thể.
- Nếu cần thiết thì kiểm tra độ võng cho dầm, chuyển vị ngang của đỉnh khung.
- Thể hiện bản vẽ trên giấy khổ A1 (594x841mm).
- Các mặt bằng kết cấu công trình (tỷ lệ 1/150-1/100).
- Mặt cắt dọc khung và các mặt cắt ngang chi tiết cột, dầm khung (tỷ lệ 1/50-1/20).
- Chi tiết cấu tạo nút khung.
Bản vẽ cần thể hiện đầy đủ, rõ ràng các kích thước, tỷ lệ, quy cách.
III. Hướng dẫn phương pháp làm đồ án
III.1. Lựa chọn giải pháp hệ kết cấu
Lựa chọn giải pháp kết cấu đóng vai trò quan trọng. Lựa chọn đúng đắn giải pháp kết cấu có ảnh hưởng đến tính kinh tế và độ bền công trình. Khi nghiên cứu giải pháp kết cấu có thể lưu ý các vấn đề sau:
- Đối với hệ sàn các tầng và sàn mái: căn cứ vào kích thước dài, rộng của bản sàn, vị trí các tường ngăn chia, bao che để cân nhắc sử dụng hệ sàn sườn một phương hay hai phương, sàn ô cờ, sàn không dầm…. Nên bắt đầu từ phương án sàn sườn vừa dễ dàng cho việc tính toán vừa thuận lợi cho việc thi công.
- Đối với hệ khung: vì tường xây chỉ có tác dụng ngăn chia, bao che (tường tự mang) nên toàn bộ tải trọng tường sẽ truyền lên khung. Như vậy, hệ khung sẽ chịu toàn bộ tải trọng đứng và ngang tác dụng lên công trình. Chọn khung có liên kết cứng (rigid frame) cần được ưu tiên vì khung cứng có khả năng chịu tải cao hơn, ổn định hơn khung có liên kết khớp. Lựa chọn kích thước cấu kiện trong khung cần chú ý đến độ cứng đơn vị.
III.2. Xác định tải trọng và xác định nội lực
Các loại tải trọng tác dụng lên công trình cần phải xác định theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Khi xác định tải trọng tác dụng lên khung phẳng thì cần lập mặt bằng truyền tải. Tính toán tải trọng nên lập bảng diễn giải cụ thể cho từng trường hợp tải trọng. Cần chú ý đến dạng tải trọng tác dụng lên khung: dạng tải phân bố hay tải tập trung. Nếu là tải phân bố thì dạng tam giác hay hình thang; nếu là tải tập trung thì chú ý phương chiều, điểm đặt của lực.